1. apr. 2007

Tường thuật chi tiết cuộc xử án ngày 30-03-2007 tại Huế

"Trò hề bỉ ổi ngàn năm chê cười !"
Tường thuật chi tiết cuộc xử án ngày 30-03-2007 tại Huế


Công an khống chế LM Nguyễn Văn Lý tại toà án CSVN

               Như chúng tôi đã loan tin, chiều ngày 29-03, rất nhiều công an cộng sản đã tới giáo họ Bến Củi, một số canh gác nhà giáo dân, không cho ai ra khỏi nhà, một số kéo đến nhà thờ và đưa linh mục Nguyễn Văn Lý đi khỏi đó lúc 14g30. Khi bị áp giải đi, linh mục mặc áo dòng đen, hai bên có 2 công an xốc nách. Lúc linh mục la to báo động thì bị bịt miệng, quấn một tấm vải quanh người, sau đó bị xô vào một chiếc xe 7 chỗ chờ sẵn trước nhà thờ. Chiếc xe rú gas chạy như ma đuổi. 
 

          Chiều cùng ngày, nhưng vào lúc 18g, anh Nguyễn Phong cũng bị công an đến nhà còng tay áp giải đi. Trước đó đôi ba hôm, vài công an cao cấp đã hẹn anh sáng ngày 30-3 sẽ tới tận nhà, chở anh đi uống cà-phê dùng điểm tâm rồi đến tòa luôn thể !?! Anh Nguyễn Bình Thành, cô Hoàng Thị Anh Đào và cô Lê Thị Lệ Hằng, mỗi người đều bị 4 công an đem 4 chỗ ngồi đến nhà lúc 5g40 sáng 30-3 để đưa đi (không còng tay). Xe chở họ thẳng đến tòa án tỉnh, 15A Tôn Đức Thắng, thành phố Huế lúc 6g. Tất cả ngồi yên trên xe, tới 7g thì bị đưa thẳng vào tòa. Mọi bị cáo trước đó đều được yêu cầu bằng miệng là không được mặc áo trắng, thậm chí cả áo hoa nền trắng!!!

          Phần linh mục Lý thì vào lúc 6g, một số giáo dân An Truyền tới sớm và đang đứng ở công viên trước tòa án, bỗng thấy một xe bít bùng đỗ lại trước cổng tòa. Cửa xe mở, họ thấy cha Lý bị đẩy xuống và sau đó bị hai công an dùng hết sức bình sinh lôi vào tòa vì vị linh mục nhất quyết không đi. Trong lúc này, nhiều giáo dân từ nhiều giáo xứ quanh thành phố như Phủ Cam, Mẹ Hằng Cứu giúp, Nguyệt Biều... và xa hơn như An Bằng, Hà Úc... cũng lục tục kéo đến. Phần lớn đến trước cổng tòa án, xin vào, nhưng khi bị công an hỏi giấy mời thì tất cả đều không có, thế là bị đuổi lui. Họ dồn ra công viên, nhưng rồi công an –đa phần mặc thường phục- cũng đến và tìm cách xua đuổi họ dần dần, nhưng trước đó thì ghi hình và thâu âm họ, để rồi mai mốt, các công an địa phương sẽ được triệu tập về đồn công an tỉnh hay thành phố để "nhận diện" "bọn thảo dân quá khích phản động" hầu bắt đầu chiến dịch khủng bố hạch sách. Một số giáo dân và người hiếu kỳ khác thì lại bị chặn từ xa, ở các đường Hùng Vương, Lê Quý Đôn hay Bà Triệu, vốn tiếp giáp với đường Tôn Đức Thắng.

          Theo ước tính, số công an được huy động trong ngoài phòng xét xử lên tới cả 500 người. Chưa kể số đứng tại công viên trước tòa án, tại những trạm gác cách tòa án khoảng 150m, tại các quán càphê trong khu vực và tại các ngã tư những con đường nói trên. Ngoài ra, tại những giáo xứ thuộc loại điểm nóng như An Bằng (nơi linh mục Giải cai quản), Nguyệt Biều, An Truyền (nơi linh mục Lý từng đứng lên tranh đấu), Phủ Cam (nơi linh mục Lợi đang bị quản thúc) thì công an rải đều hay chặn mọi chốt.

          Phiên tòa khai mạc lúc 7g30 và kết thúc lúc 11g30. Ngoài 5 bị can, thành phần tham dự gồm có Hội đồng xét xử (chánh án Bùi Quốc Hiệp, công tố viên [viện kiểm sát], hội thẩm nhân dân [bồi thẩm đoàn]), vài người dân làm chứng gian, vài đại diện ngoại giao đoàn, ít phóng viên quốc tế, các ban ngành, nhân viên truyền thông và nhiều nhất vẫn là công an. Tuyệt đối không có luật sư biện hộ, không có thân nhân của các bị can, không có đại diện của tòa Tổng Giám Mục Huế.

          Khi chủ tọa phiên tòa (chán án Bùi Quốc Hiệp) chuẩn bị đọc lời khai mạc, thì 2 công an (mặc sắc phục) xốc nách linh mục Nguyễn Văn Lý, lôi mạnh vào phòng xử, vì Linh mục quyết trì lại, rồi đặt Linh mục ngồi hàng ghế đầu tiên. Cha Lý mặc áo sơ mi màu tím ruốc, quần tây, đi sandal, hai tay bị còng. Gương mặt cha rất cương nghị, cặp mắt sắc bén, không ai dám trực tiếp nhìn thẳng vào. Khi chủ tọa phiên tòa đang đọc lời khai mạc thì Lm Lý phản đối bằng cách đọc to bài thơ "Tòa án Cộng sản VN" ( xin xem Bản tin từ Huế ngày 22-3). Nhưng mới đọc được 4 câu đầu:

"Tòa án Cộng sản Việt Nam

Trò hề bỉ ổi ngàn năm chê cười

Quan tòa một lũ đười ươi

Tay sai nô bộc xử người nào đây..."

thì cha bị bịt miệng, kéo ra khỏi phòng xử, đưa vào phòng cách ly bên cạnh, và chỉ được theo dõi phiên tòa qua hệ thống âm thanh. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của Linh mục trong phòng xử (5 phút).

          Lần xuất hiện thứ hai là khi chủ tọa phiên tòa kêu mỗi bị can ra đứng trước vành móng ngựa để nghe đọc và xác nhận lý lịch. Từ phòng cách ly, hai công an xốc nách linh mục Lý kéo ra đến đứng trước vành móng ngựa. Linh mục liền cực lực phản đối bằng cách vùng vẫy, dùng chân đá nhào vành móng ngựa, miệng tố cáo: " Chính tòa án này, chính Viện kiểm sát này, chính Sở công an này, chính Chế độ CS này phải chịu tội trước lịch sử dân tộc Việt Nam, không thể thoát khỏi, là thay vì đào tạo nên một dân tộc sĩ khí anh hùng, thì đã dùng mọi thủ đoạn đàn áp, để tạo nên một dân tộc hèn nhát, sợ hãi, rồi cho đó là thắng lợi, thành công... " (xem Bản tin từ Huế ngày 22-3).  Vì lúc này giọng LM hơi khàn và phòng xử lộn xộn nên ít ai nghe rõ. Cha định nói tiếp thì đã một công an xông vào bịt miệng và hai công an khác lại phải xốc nách lôi ra khỏi phòng. Lần xuất hiện này kéo dài khoảng 10 phút.

          Khi chủ tọa phiên tòa yêu cầu lấy lời khai từng bị cáo thì Lm Lý lại được đưa vào phòng xử. Cha lại phản đối bằng cách hét ho: " Đả đảo đảng Cộng sản! Đả đảo đảng Cộng sản!" và chuẩn bị tuyên bố Lời Chứng cuối cùng (xin xem Bản tin từ Huế ngày 29-3) thì một công an nhào tới bịt miệng, hai công an lại lôi vào ra cách ly, và cha ở mãi trong đó cho đến hết phiên tòa. Xin nhớ là trong các lần xuất hiện trước tòa, linh mục Lý luôn ngồi, không đứng, để bày tỏ lòng khinh bỉ. Từ trong phòng cách ly, qua loa, linh mục Lý vẫn nghe được diễn tiến nơi phòng xử, và thỉnh thoảng lại cất tiếng cười vang chế diễu. Cả 3 lần bịt miệng Lm Lý đều do tay công an tên Nguyễn Minh Tân, PA 24 Sở công an tỉnh Thừa Thiên-Huế.

          Phiên tòa được tuyên bố ngay từ đầu là "công khai" nhưng chỉ công khai "dổm". Các phóng viên quốc tế và vài ba đại diện của tòa đại sứ Na uy và tòa lãnh sự Hoa Kỳ chỉ được hiện diện khoảng 5 phút trong phòng xử khi chủ tọa đọc lời tuyên bố khai mạc phiên tòa và khoảng 10 phút khi chủ tọa đọc bản án. Ngoài ra, suốt thời gian xử, họ phải theo dõi qua màn hình ở một phòng bên cạnh. Vợ của anh Nguyễn Phong (tên Thúy) và vợ anh Nguyễn Bình Thành (tên Bưởi) chẳng những không được mời vào phòng xử mà còn bị đuổi khỏi công viên trước tòa án khi công an biết được danh tính hai chị. Lúc ấy bên trong, cuộc xử án đã bắt đầu, bạn bè quanh hai chị cất giọng phàn nàn khá to tiếng về sự bất công đối với họ. Công an chìm, mặc thường phục liền sà tới và ngang nhiên đòi kiểm soát thẻ chứng minh nhân dân. Kiểm soát xong, một tay công an tịch thu luôn thẻ của anh Nguyễn Phúc, em bị cáo Nguyễn Phong. Phúc mạnh mẽ đòi lại, chị Thúy cũng bênh vực cho em chồng. Thế là công an lôi anh Phúc về đồn kề đó, buộc anh vào tội gây rối, giữ anh lại cho đến hết phiên tòa. Còn chị Thúy thì bị công an xua như xua chó (cuộc đôi co này đã được một giáo dân ghi âm lại). Chị Bưởi, vốn là con người mạnh miệng, ăn nói sắc sảo, lên tiếng phản kháng rất to, nhưng rồi cũng bị cả một bầy công an đánh đuổi.

          Trở lại phòng xử. Vì không có luật sư biện hộ, nên các bị cáo phải tự bào chữa cho mình, thế mà cũng chẳng được phép. Ai có ý muốn tự biện hộ đều bị 2 công an mặc sắc phục kéo lui khỏi vành móng ngựa. Tòa chỉ cho phép nói "có" hay "không" trước các câu hỏi, như lối xử án xưa rày trong chế độ CSVN. Thế nhưng chánh án cũng chỉ hỏi cung qua loa, không cho bị cáo trình bày tư tưởng, lập luận của mình, dựa trên những quyền tự do cơ bản. Ai nói đến dân chủ nhân quyền mà Quốc tế đã thừa nhận trong Công ước quốc tế là bị cắt ngay. Tuy nhiên cả 4 người đều phản cung với giọng bình tĩnh, ôn hòa nhưng cương quyết. Anh Nguyễn Phong đã có lúc đưa 2 tay bị còng lên cao, dõng dạc tuyên bố: "Đến chết tôi vẫn đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, quyết duy trì đảng Thăng Tiến Việt Nam...". Anh định nói dài nữa thì đã bị công an ngăn chận (xin xem các lời tuyên bố ghi âm hay viết tay sẵn của anh đã tung lên mạng cùng lúc với phiên tòa ). Anh Nguyễn Bình Thành thì nói: "Hãy hỏi quốc tế : chúng tôi có tội gì khi đấu tranh cho tự do nhân quyền?.." Anh còn định nói thêm: "Những gì tôi đã làm đều phù hợp với Hiến pháp, với Công ước quốc tế nhân quyền, với khát vọng của toàn thể dân tộc và với lương tâm của tôi" như dự tính, tiếc thay công an đã lôi anh khỏi vành móng ngựa.

          Vì sợ hai nữ lưu cũng lên tiếng mạnh mẽ như ba nam chiến sĩ, tòa đã vội vàng kết thúc để nghị án. Sau khi nghỉ khoảng 20 phút, phiên tòa tiếp tục. Chủ tọa phiên tòa đọc bản án, linh mục Lý không được hiện diện mà chỉ được nghe từ trong phòng cách ly (vì đã "vi phạm quy định của tòa"!?!). Mức án như sau:

- Lm Nguyễn Văn Lý                 8 năm tù ở   + 5 năm quản chế

- Anh Nguyễn Phong                 6 năm tù ở   + 3 năm quản chế

- Anh Nguyễn Bình Thành         5 năm tù ở   + 2 năm quản chế

- Cô Hoàng Thị Anh Đào          2 năm tù treo + 3 năm thử thách

- Cô Lê Thị Lệ Hằng                 1 năm rưỡi tù treo + 2 năm thử thách.

          Bản án đọc xong, phiên tòa kết thúc, mọi người giải tán thì có 4 công an đến còng tay anh Phong anh Thành lại (anh Phong trước đó đã có lúc được mở còng). Họ đưa hai anh và cha Lý lên xe bít bùng trở về nhà giam (chúng tôi hiện chưa biết ba người này bị giam ở đâu). Hai cô Anh Đào và Lệ Hằng trở về nhà, trong sự thở phào, chào đón, hỏi han của thân nhân. Nhưng cho tới hôm nay, cả hai đi đâu cũng có công an theo dõi rình mò. Chẳng biết công an ở đâu mà lắm thế!!!

          Dĩ nhiên bên ngoài tòa không ai biết gì, vì đã chẳng có loa phát thanh ra. Nhưng sau đó, và đến chiều tối, nghe các đài phát thanh dân chủ như Quê Hương, Chân Trời Mới, Á châu Tự do, Pháp Quốc tế (RFI).... hoặc ai lên được mạng internet thì đã biết khát rõ chuyện "thâm cung bí xử" (=xử   án bí mật) nhờ các phóng viên ngoại quốc đánh tin từng phút một từ trong tòa án. Phóng viên vỉa hè thì lấy tin từ thân nhân các bị can lãnh án treo!!! Dễ hiểu thôi, ai cấm được! Có người cũng suy đoán sự việc (dĩ nhiên suy đoán ngược) từ mục tin tức Truyền hình của CS lúc 7 giờ tối cùng ngày về phiên tòa, một loại bản tin bao giờ cũng dối trá một cách trơ trẽn: "Các phạm nhân cuối cùng đã cúi đầu nhận tội" và "Nhân dân đều đồng tình với mức xử phạt nghiêm minh của tòa án..."           Nhưng lần này thì CS đã bị hố to (không khéo hội đồng xử án và bộ phận an ninh phiên tòa đang phải viết kiểm điểm vì đã không bảo đảm sự "toàn thắng của công lý xã hội chủ nghĩa"!!!). Tuy bị những bản án nặng nề, bất công, man rợ, linh mục Nguyễn Văn Lý và 4 chiến sĩ dân chủ hòa bình đã đạt được một chiến thắng dòn dã, ngoạn mục. Tinh thần đấu tranh của 5 người thật mạnh mẽ, nhất là vị linh mục can trường, bất khuất, luôn muốn lên tiếng cho tự do bằng cách chấp nhận tù tội! CS cũng không thể ngờ rằng 4 chiến sĩ trẻ mà công an đã cầm chắc là sẽ phải đầu hàng khiếp nhược lại quật cường, vùng dậy cách oai phong! Chắc chắn trong hội trường hôm ấy, có rất nhiều cán bộ đảng viên CS đã hết sức cảm phục nhưng không bày tỏ được. Nếu CS đủ liêm sỉ và can đảm mà để cho phiên tòa đó được diễn ra một cách công khai đúng nghĩa, chắc chắn nó đã trở thành một cuộc đấu tranh của nhân dân thành phố Huế!!

          Cuối cùng, tưởng cũng nên nói đến hai nhân vật bên lề nhưng có liên can. Đó là linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, chiến hữu của linh mục Nguyễn Văn Lý. Biết linh mục Giải sẽ dẫn giáo dân An Bằng lên ủng hộ 5 chiến sĩ, sáng ngày 29-3 và 30-3, chính quyền xã Vinh An đã mời cha đến trụ sở xã "làm việc", với ý đồ "điệu hổ ly sơn". Toàn bộ nhân viên xã Vinh An (10 người) vây lấy, tấn công vị linh mục với nhiều câu hỏi tới tấp, liên quan đến Pháp lệnh tôn giáo (cha Giải thường tổ chức lễ lạc, xây dựng cơ sở mà không xin phép), đến hoạt động liên tôn (cấu kết với các thành phần "tôn giáo phản động"), đến việc đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền qua việc "phát tán lung tung" nhiều bài viết trên mạng. Linh mục Giải đã ung dung trả lời và yêu cầu ghi vào biên bản: "Tôi chấp hành Hiến pháp trừ điều 4 và chấp hành các bản văn dưới luật phù hợp với Hiến pháp. Tôi phản kháng Pháp lệnh về tôn giáo tín ngưỡng. Tôi quyết liên kết với Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, Phật Giáo Hòa hảo thuần túy và Tin lành để đòi tự do tôn giáo. Tôi hãnh diện vì phát tán các bài viết đấu tranh lên mạng mà được nhiều người tìm đọc" Bótay.com!!

          Linh mục Phan Văn Lợi thì đã được công an ưu ái "gác cho ngủ ngon" từ hôm mồng một Tết (17-2) đến nay. Thành thử 3 ngày xuân Linh mục chẳng có thể đi thăm ai mà cũng chẳng mấy ai dám đến thăm nhà. Có một nhóm sinh viên đến học giáo lý với linh mục nay cũng xin bái biệt. Công an mà "chiếu cố" thì không có đường tốt nghiệp đại học. Hôm 6-3, ông Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Kenneth Chern ở Sài Gòn hẹn đến thăm linh mục. Phái đoàn đã ra Huế và chiều hôm đó định tới nhà linh mục nhưng đã bị khoảng 15 công an (do thiếu tá Phạm Văn Trạch cầm đầu) chặn từ xa và ngay đầu ngõ. Không nản chí, chiều 30-3 mới rồi, sau khi dự phiên tòa xử linh mục Lý và các bạn, ông Phó Tổng lãnh sự cùng đoàn tùy tùng lại đến. Nhưng khi xe định từ đường lớn Trần Phú quẹo vào con hẻm 41 để tới nhà linh mục, thì cũng lại được khoảng 15 công an trẻ chặn lại. Từ ngoài lộ, ông gọi điện thoại vào cho linh mục, tỏ nỗi bất bình và sự tiếc nuối. Cũng Bótay.com!! Linh mục Lợi đáp: "Đó là sự xúc phạm quốc thể nước Mỹ, khinh thường cường quốc Hoa Kỳ và là bằng chứng không có tự do tại Việt Nam ". Ông Kenneth cho biết sẽ báo lại vụ việc lên ông Tổng lãnh sự tại Sài Gòn, ông Đại sứ tại Hà Nội và lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bên Washingon DC. Đồng thời hẹn dịp khác!!!

          Phóng viên FNA tường trình từ Huế lúc 22g30 ngày 31-03-2007 (giờ VN)