2. apr. 2007

Tại sao Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không lên tiếng bênh vực Linh Mục Lý?

2007.04.02
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Tại sao Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không lên tiếng bênh vực cho những người tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền?


Xem video clip phiên toà xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý do phóng viên người Pháp của báo LeExpress tường trình. Courtesy vnvod

Câu hỏi đó được những người công giáo và không công giáo –trong cũng như ngoài nước- nhất là khi một tu sĩ công giáo là Linh Mục Nguyễn Văn Lý vừa bị chính quyền cáo buộc tội chống phá nhà nước và hôm thứ Sáu tuần trước, tòa án Thừa Thiên-Huế đã kết án ông 8 năm tù và 5 năm quản chế.

Trước sự kiện này, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Phong Vũ, Chủ Biên Tạp Chí "Diễn Đàn Giáo Dân" và là một nhà bình luận trong lãnh vực tôn giáo có uy tín ở hải ngoại. Ông Trần Phong Vũ hiện đang cư ngụ ở bang California, và những điểm ông trình bày trong cuộc nói chuyện với Biên Tập Viên Nguyễn Khanh mà chúng tôi gửi đến quý thính giả sau đây không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nguyễn Khanh: Thưa ông, khi nói đến thái độ thái độ im lặng của Giáo Hội Công Giáo dư luận quần chúng trong và ngoài nước thường nêu lên 2 quan điểm trước vấn đề chính sách của nhà nước đối với các vấn đề như tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền, cụ thể nhất là trường hợp mới xảy ra với Linh Mục Nguyễn Văn Lý.

Có người bảo hàng giáo phẩm phải hành xử như vậy vì các giáo sĩ không được làm chính trị, và hàng giáo phẩm duy trì sự im lặng để có thể tiếp tục hành đạo trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Cũng có dư luận cho rằng thái độ im lặng đó gián tiếp làm lợi cho nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào về hai nhận định rõ ràng trái ngược với nhau này?

Bị mua chuộc

Ông Trần Phong Vũ: Theo tôi, cả hai nhận định ông vừa nêu đều có những điểm hữu lý của nó. Nếu có những điểm hữu lý thì đồng thời cũng có những khía cạnh bất cập. Thành thực mà nói, tôi không chia sẻ quan điểm thứ nhất cho rằng các Ngài phải im lặng vì lý do tu sĩ, giáo sĩ không được làm chính trị.

Bạn nghĩ gì về phiên toà này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Giáo Hội chỉ ngăn cấm các giáo sĩ không được làm chính trị đảng phái, cũng như không được tham gia vào các chức vụ trong chính quyền. Riêng trên cương vị công dân, các Ngài có quyền có thái độ chính trị để đóng vai trò giám sát trước các vấn đề xảy ra trong xã hội, nhất là các hành xử của chính quyền.

Hay nói theo người công giáo thì đó là vai trò "ngôn sứ"của các Ngài trước những vấn đề chung quanh đời sống, để bảo vệ cái cốt lõi của niềm tin tôn giáo.

Nếu quả thật các vị Giám Mục tôn trọng luật của Giáo Hội là các giáo sĩ không được tham gia chính trị, phe phái, nhất là không được tham gia các chức vụ trong chính quyền, thì điều tôi thắc mắc là tại sao các Ngài không có thái độ dứt khoát đối với trường hợp trong quá khứ đã có một số linh mục có chân trong Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, một tổ chức nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc của Đảng Cộng Sản, hay nhất là trong trường hợp có những linh mục có chân trong Quốc Hội, trong Hội Đồng hàng tỉnh.

Riếng lý lẽ cho rằng các vị Giám Mục im lặng để phát triển đạo giáo thì quả thật tôi không thể đồng ý. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra là phát triển như thế nào, xấu tốt ra sao, và sẽ di hại thế nào cho mai sau. Để mua lấy sự yên ổn như thế, người ta chắc chắn sẽ phải thỏa hiệp và thỏa hiệp đến đâu, để khỏi xâm phạm đến điều được coi là cốt lõi của niềm tin tôn giáo. Trong những câu hỏi đó đã hàm sẵn những câu trả lời, tôi thấy không cần phải lý giải thêm ở đây.

Riêng về nhận định cho rằng thái độ im lặng của Giám Mục là gián tiếp làm lợi cho chế độ cộng sản thì tôi có thể chia sẻ được một nửa. Phải nói thật và nói thẳng là ít nhiều có những vị Giám Mục bị Cộng Sản mua chuộc để làm lợi cho họ. Những vị này ngoài thái độ ngậm miệng thay vì phải lên tiếng để làm tròn vai trò Ngôn Sứ của mình, đôi khi lại còn công khai dùng uy thế Giám Mục để lên tiếng bênh vực chế độ. Đấy là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những vị Giám Mục im lặng chỉ vì bản tính nhút nhát, chứ thật tâm, các Ngài không bao giờ chấp nhận chế độ Cộng Sản. Nếu có trách, là trách các Ngài đã không có được cái dũng của các tiền nhân anh hùng tử đạo mà thôi. Và thưa ông, đó là một vài suy nghĩ chợt đến với tôi để trả lời cho hai quan điểm có vẻ đối nghịch với nhau mà ông nêu ra.

Đức Bác Ái

Nguyễn Khanh: Có nhiều người Công giáo bảo với tôi là khi lên tiếng cho tự do, dân chủ, cho quyền làm người là chúng ta tranh đấu không chỉ cho con Chúa, mà cho con người, và điều đó cũng thể hiện điểm quan trọng mà các tín hữu Công Giáo phải thể hiện, đó là Đức Bác Ái. Ông nghĩ gì về điều này?

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại phiên toà án xét xử ở Thừa Thiên Huế. hôm 30-3-2007. AFP PHOTO
>> Xem hình lớn hơn

Ông Trần Phong Vũ: Câu hỏi này rất hay, vì trùng hợp với điều chính tôi đã ưu tư lâu lắm rồi, và gần đây, do những bức xúc cá nhân tôi đã để tâm suy nghĩ và viết ra. Trong bài viết đó, thú thật, phần nào giúp tôi trả lời câu hỏi ông vừa đặt ra.

Tôi xin được tóm tắt suy nghĩ của tôi về đức bác ái. Thật sự không phải ai cũng nghĩ rằng cách hành xử của những nhà đấu tranh mang niềm tin công giáo là họ đã nhân danh đức bác ái để làm điều đó đâu, trái lại phần đông người công giáo, trong đó có cả các Giáo Sĩ, các vị Giám Mục đã có những cách hành xử làm cho cá nhân tôi là một người công giáo phải băn khoăn, và đôi khi không khỏi đặt ra trong lương tâm mình những câu hỏi rất là nhức nhối.

Theo tôi, đức bác ái của người công giáo được gói ghém rất rõ ở trong những lời giảng dậy của Chúa Giêsu từ 2,000 năm trước, và phúc âm của các Thánh Luca, Maccô, Matthiêu, Gioan đã đề cập tới.

Tôi lấy thí dụ mà người ta thường nói là khi trả lời các môn đệ của Ngài về đức bác ái, Chúa Giêsu đã nói một cách thật sâu xa là người đời thường hay dùng nguyên tắc răng đền răng, mắt đền mắt, nhưng Ngài lại dậy các môn đệ là phải tha thứ cho kẻ thù và còn phải yêu thương cả kẻ thù nữa.

Để dẫn chứng một cách cụ thể –đôi khi được coi là quá độ- Chúa Giêsu đã nói rằng "khi có ai tát má phải anh em thì anh em hãy giơ cả má trái cho họ tát", hoặc "khi có kẻ tìm cách kiện cáo để lột áo ngoài của anh em thì anh em hãy cho họ luôn cả áo trong". Phải nói rằng lời Chúa là đường đi, là ánh đuốc soi đường cho tất cả những tín hữu theo chân Ngài.

Nhưng theo tôi, lời dậy của Chúa áp dụng cho những mà Ngài nói tới, tức là nói với các tông đồ, chứ không nói với những người không phải là tông đồ. Ý tôi muốn nói là Ngài dậy cho các vị Tông Đồ phải hành xử như vậy, cho nên tôi mới nghĩ rằng lời của Chúa ứng dụng cho một người công giáo với tư cách các vị là người công giáo.

Chính người đó, thí dụ như tôi chẳng hạn, nếu tôi theo Chúa đến nơi đến chốn thì tôi phải cố gắng tối đa để hành xử theo như Chúa dậy, tức là tôi phải khiêm nhường tối đa để chứng tỏ tôi là con cái của Ngài, phải hiền lành, khiêm nhường thật sự, dù cá nhân mình có thể bị thiệt thòi tôi cũng vẫn chấp nhận để chứng tỏ cho người khác thấy tôi là con cái của Chúa.

Nhưng nếu đặt vị trí tôi là một kẻ bàng quan đứng bên ngoài, nhìn chung quanh là anh em tôi, là đồng bào tôi, là những người khác tôi, hay tôi là người công giáo những những anh em Tin Lành, Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo bị người ta hành hạ, tôi không thể nhân danh đức bác ái để tha thứ cho những kẻ đã hành xử với những người khác tôi đó.

Trong trường hợp đó, tôi tin rằng Chúa không bao giờ bằng lòng trước thái độ dửng dưng của tôi trước những gì đang xảy ra chung quanh mình, thái độ mà tục ngữ Việt Nam có câu là "cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại". Tôi nghĩ rằng thái độ đó không thể nào chấp nhận được.

Vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng những người tranh đấu, những người công giáo bênh vực cho những người khác tôn giáo của mình là họ đã nhân danh đức bác ái, chứ không phải họ nhân danh sự hận thù.

Vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng những người tranh đấu, những người công giáo bênh vực cho những người khác tôn giáo của mình là họ đã nhân danh đức bác ái, chứ không phải họ nhân danh sự hận thù.

Ông Trần Phong Vũ

Chỉ vì không thể dửng dưng trước các bất công xảy ra trong xã hội, họ đã nhân danh niềm tin để lên tiếng chống đối kẻ đã gây nên những bất công đó, và điều tôi thấy là hầu hết các nhà đấu tranh ở trong nước, không phải chỉ Cha Lý, không phải chỉ Cha Lợi, mà tất cả đã theo được điều tôi nghĩ là rất đúng với cái quan điểm của các tôn giáo hay là quan điểm trọng tín ngưỡng của người mình, tức là đấu tranh bất bạo động, giống như Thánh Gandhi ngày xưa đã không dùng biện pháp trả miếng bằng vũ lực, mà chỉ dùng tiếng nói thôi.

Tôi thấy không có điều gì để chê trách họ cả, mà đúng hơn, những người công giáo, những vị linh mục khi đấu tranh đã nhân danh cái cốt lõi của niềm tin, của đức bác ái công giáo.

Suy nghĩ gửi đến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Nguyễn Khanh: Tôi có cảm tưởng không chỉ trả lời câu hỏi tôi đặt ra, mà ông còn muốn gửi suy nghĩ của ông đến với các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong nước nữa. Thưa ông, có phải đúng như vậy không?

Ông Trần Phong Vũ: Xin cám ơn anh Nguyễn Khanh và cám ơn Đài Á Châu Tự Do đã cho tôi cơ hội nói lên điều này.

Khi viết, tôi không chỉ viết cho tôi, không phải để thỏa mãn cho điều bức xúc riêng của mình mà còn muốn gửi gấm đến những người chung quanh, những người đọc tôi, những người nghe tôi và trong trường hợp này, tôi còn ước mong tiếng nói khiêm tốn, nhỏ bé, tầm thường của mình đến với các nhà lãnh đạo tôn giáo của tôi ở trong nước, đến với các đấng bậc mà tôi luôn quý mến, hy vọng từ đó các Ngài sẽ nhìn đến thân phận Việt Nam, nhìn đến thân phận của những người đang đấu tranh gian khổ, đang phải chấp nhận tất cả các đòn thù của kẻ thù và luôn luôn đấu tranh ôn hòa, để các Ngài thông cảm với họ.

Không phải chỉ thông cảm thôi, tôi mong các Ngài nhân danh vai trò Ngôn Sứ để tiếp lời cho họ, để tiếp sức cho họ. Tôi nghĩ rằng các Ngài không cần phải đấu tranh thật sự. Tôi vẫn nhớ lá thư của một giáo dân tên là Nguyễn Đình Thao gửi cho các vị Giám Mục Việt Nam hồi 2005.

Anh Thao với tuổi đời 30, đã đi khắp 3 miền đất nước, đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh khổ ải của người dân Việt Nam, và anh viết là các vị Giám Mục phải nhân danh là đại diện của Chúa Kitô, là Ngôn Sứ của Chúa, để nói lên tiếng nói chân thật, để thay đổi được chế độ, thay đổi những tai ương mà đất nước đang phải gánh chịu.

Về câu hỏi mà anh đặt ra thì quả thật, trong thâm tâm của tôi, tôi muốn những lời của Nguyễn Đình Thao, của biết bao những người Công Giáo khác sẽ thấm nhập vào trái tim, vào trí óc của những người đồng đạo với tôi ở trên quê hương, và đặc biệt với những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, để may ra có thể làm một điều gì đó cho đất nước, trong hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã hiện giờ.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Trần Phong Vũ cho buổi nói chuyện lý thú hôm nay.