ĐƠN KIẾN NGHỊ của bà Trần Thị Lệ, thân mẫu Ls. Lê Thị Công Nhân
Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Đôc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN KIẾN NGHỊ
Kính gửi:
- Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước
- Các cơ quan Báo Chí trong và Ngoài Nước
- Chính phủ các nước đã có Tự do Dân chủ
- Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam
- Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam
- Thủ Tướng nước CHXHCN Việt Nam
- Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp
- Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ
- Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng
- Bộ Trưởng Bộ Công An
Tôi là Trần Thị Lệ thường trú tại phòng 316 nhà A7, tập thể Văn phòng Chính phủ, ngõ 4 Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Tôi có con gái là luật sư Lê Thị Công Nhân sinh năm 1979 bị cơ quan An ninh điều tra bắt tạm giam ngày 06/3/2007 tại Trại tạm giam số 1, Xuân Phương, Cầu Diễn Hà Nội với lý do là con tôi đã vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự. Nay tôi làm đơn này đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét trường hợp của con tôi.
Từ lúc con tôi bị bắt tạm giam đến nay báo chí trên cả nước đã đưa tin và môt số bài báo đã dùng những lời lẽ nhục mạ thậm chí còn nêu những chi tiết hoàn toàn sai lệch hầu bôi đen hạ thấp nhân cách con tôi và cả gia đình tôi. Những người viết bài này không những chỉ lấy thông tin một chiều mà còn bịa đặt chứ chưa bao giờ đến gặp chúng tôi để tìm hiểu cặn kẻ, điều mà một phóng viên có trình độ và lương tâm luôn phải thực hiện trước khi đưa bài đăng báo. Vì bịa đặt nên có những chi tiết đưa ra hết sức vô lý và lố bịch. Tôi xin đơn cử vài chi tiết trong bài "Sự thật về viêc chống phá Nhà nước của Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân" ông Bảo Sơn (tôi xin lỗi không biết BS là nam hay nữ hay chỉ là một cái tên chung của một nhóm người nào đó nên tôi xin gọi là ông) đã viết trên báo An ninh thế giới ngày 17-3-2007 như sau:
"Sau khi học xong Đại học thì Nhân học tiếp 2 năm để lấy bằng Luật sư. Học xong Nhân về thực tập tại văn phòng luật sư Nguyễn Chiến là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội làm Trưởng văn phòng. Nhưng chỉ vài tháng sau, văn phòng phải làm công văn trả Nhân lại cho Đoàn bời lẽ Nhân không chịu học hỏi, bảo thủ, thường lợi dụng việc công để tranh thủ việc riêng. Sau đó Nhân được nhận vào làm Thư ký Đối ngoại của Đoàn Luật sư Hà Nội. Nhưng làm cũng chẳng được bao lâu, Nhân bị thôi việc cũng là lý do "chuyên môn không đảm bảo"."
...."Cũng như Đài tuy là Luật sư nhưng Công Nhân chưa bào chữa vụ nào cho ra hồn".
Ai đọc đoạn này điều thấy nực cười vi sự vô lý mà do dã tâm của người viết muốn chà đạp nhân cách con tôi. Điểm thứ nhất là thời gian chương trình Đào tạo Luật sư khóa 2 của Bộ Tư pháp chỉ có 6 tháng và Công Nhân tốt nghiệp ngay từ đợt 1. Điểm thứ hai là Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến trực thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật sư Nguyễn Chiến lại là Phó Chủ nhiệm của Ban Chủ nhiệm Luật sư đoàn.
Ông Bảo Sơn viết là Luật sư Nguyễn Chiến đã sa thải Công Nhân vi lý do năng lực yếu kém và thái độ làm viêc không nghiêm túc. Thế thì chẳng lẽ Luật sư Nguyễn Chiến và cả các thành viên của Ban Chủ nhiệm Luật sư đoàn nhiệm kỳ này điên hết hay sao mà lại ký Quyết định bổ nhiệm Công Nhân đảm nhiệm chức danh Thư ký đối ngoại, một chức danh mới và quan trọng của Đoàn Luật sư Hà Nội mà họ phải tổ chức thi tuyển chọn 1 người trong số nhiều người dự thị Công Nhân đã trúng tuyển trong cuộc thi này và đã làm việc một cách tích cực, nhiều hình ảnh về hoạt động đối ngoại và các bài viết cũng như dịch thuật của Công Nhân trên báo Luật sư ngày nay do Đoàn Luật sư Hà nội ấn hành trong thời kỳ này đã chứng minh năng lực làm việc của Công Nhân.
Còn việc con tôi bị Ban chủ nhiệm mới của Đoàn Luật sư Hà Nội quyết định cho nghỉ việc một cách bất công và hoàn toàn sai trái với Luật Lao động là một chuyện khá dài. Tôi có thể chứng minh nếu quý cơ quan quan tâm. Là một Luật sư trẻ, mới được Bộ Tư Pháp cấp chứng chỉ hành nghề ngày 22/12/2005, việc con tôi tư vấn pháp luật nhiều hơn là tham gia bào chữa là điều dễ hiểu vì thân chủ luôn luôn muốn được các Luật sư nhiều kinh nghiệm bào chữa. Vả lại việc "chạy án" hiện nay rất phổ biến mà quý cơ quan biết rất rõ, thân chủ không muốn nhờ Luật sư trẻ vi họ không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, họ sợ tiền mất tật mang.
Công Nhân ngay từ bé đã ước mơ trở thành Luật sư giỏi và luôn cố gắng học tập để đạt được ý nguyện của mình. Nhưng khi có một vụ quan trọng mà con tôi được chỉ định bào chữa thì Cơ quan An Ninh điều tra A42 đã cố tình ngăn chặn không cho Công Nhân thực hiện được ước mơ đó. Cụ thể sự việc xảy ra như sau:
Tối ngày 21/11/2006 - một ngày sau 1 tuần lễ ( từ 14/11/06 đến 20/11/06) bị câu thúc tại gia trong thời kỳ diễn ra Hội nghi. Apec - khi Công Nhân ra ga Hà Nội để vào Quảng Bình bào chữa cho 1 vụ án về buôn bán ma túy lớn có can phạm là người Anh gốc Việt tên là Hiền. Vụ án mà con tôi đã để hết tâm huyết, chuẩn bị công phu trong một thời gian dài để bào chữa có hiệu quả - thì chính các nhân viên của An ninh điều tra A42 (vẫn còn tiếp tục trực ở căn phòng ngay dưới nhà chúng tôi đang ở) trong đó có anh Thạch, chị Nhung là những người mà tôi biết tên đã chặn xe lại, buộc con tôi trở lên nhà vào bảo là nếu con tôi không nghe họ sẽ dùng vũ lực. Như vậy A42 đã không để cho Công Nhân có cơ hội để làm nhiệm vụ của một Luật sư! Bị ngăn chặn như thế thì làm sao con tôi có thể có một vụ bào chữa nào cho ra hồn. Bản thân tôi là một cử nhân Luật, nên theo hiểu biết của tôi thì theo luật định trong thời gian tạm giam để chờ xét xử, con tôi không thể bị coi là tội phạm. Điều 09 Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định rõ: "Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Như vậy để kết luận một người có tội hay không phải trải qua nhiều thủ tuc và các cơ quan tư pháp khác nhau như: bản cáo trạng của viện Kiểm sát; xét xử ở tòa án Sơ thẩm; rồi kháng án kháng cáo xử ở tòa Phúc phẩm và nếu vẫn còn kháng án kháng cáo tiếp tục thì còn phải xét xử ở tòa Giám đốc thẩm. Như vậy việc báo chí đưa tin con gái tôi với lời lẽ có tính nhục mạ và khẳng định như là một tội phạm là một điều không thể chấp nhận được.
Về việc con tôi tham gia Đảng Thăng tiến Việt Nam, Đảng đối lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với phương thức đấu tranh bất bạo động là do nhiều lý do. Công Nhân không chỉ gặp quá nhiều bất công trong quá trình học tập, làm việc của chính bản thân mình mà còn là bất công trong xã hội mà nguyên nhân sâu xa là sự tham nhũng, sự suy thoái đạo đức của giới cầm quyền. Hầu như ngày nào báo đài, báo viết đều đưa tin các vụ tiêu cực nói trên xảy ra trong mọi ngành, mọi lĩnh vực thậm chí ngay cả ngành giáo dục là ngành mà trước đây luôn được xã hội tôn vinh kính trọng.
Vài trường hợp mà cơ quan công luận đề cập nhiều như:
+ Viêc tham ô và suy thoái đạo đức của các quan chức cấp cao ở PM18;
+ Việc xử lý không nghiêm các quan chức ở Hải Phòng trong việc cấp đất đền bù;
+ Việc hàng ngàn cán bộ ở tỉnh Gia Lai gian lận bằng cấp để thăng quan tiến chức;
+ Việc gian lận trong thi cử mà nhà giáo Nguyễn Việt Khoa đã đưa ra, trong chương trình "Người đương thời" nhà báo Tạ Bích Loan đã hết sức quan ngại khi nói với vị cán bộ cao cấp của ngành Giáo dục cùng tham gia chương trình này là sao để hiện tượng tiêu cực này nó tràn lan như bênh ung thư đến thời kỳ di căn mới được Bộ đưa ra giải quyết.
+ Vấn đề cán bộ ngành Y không có tiền đút lót của bệnh nhân thì không tận tâm cứu chữa.
+ Tệ hại hơn là việc các quan chức cắt xén cả quỹ cứu trợ v.v...
Điều này đã tạo ra một xã hội quá xa rời với lý tưởng Cách mạng mà các vị Lão thành CM đã đề ra để đấu tranh. Trong một xã hội như thế mà người dân không bức xúc mới là lạ. Vấn đề tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Nhà nước đã đưa ra sách lược chống tham nhũng. Còn hiệu quả đến đâu người dân còn đang trông chờ.
Trước sự suy thoái như vậy, đặc biệt là những vụ án tham ô tham nhũng không được xét xử nghiêm minh mà nguyên nhân chỉ vì Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng Lãnh đạo và Tòa Án xét xử theo sự chỉ đạo của đảng. "Tự đá bóng tự thổi còi" đã gây ra nhiều bất công trong xã hội, gây nhiều oan khuất cho dân đã làm người dân mất lòng tin vào đảng. Chinh những Đảng viên khi nắm quyền lãnh đạo mà tham ô tham nhũng, suy thoái đạo đức trong các ngành các cấp này mới thực sự là những người phá hoại Nhà nươc Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dễ nhận thấy tất cả sự suy thoái nêu trên là do chế độ độc đảng. Mà lĩnh vưc nào cũng vậy, có cạnh tranh thì mới có tiến bộ, tất nhiên cạnh tranh ở đây là cạnh tranh lành mạnh. Như lĩnh vực kinh tế, nếu Việt Nam không đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường mà trong đó tính cạnh tranh là yếu tố quyết định trong sự tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam có lẽ vẫn còn nghèo nàn và lạc hậu như trước. Chính trị cũng vậy, không nằm ngoài quy luật này.
Công Nhân ngay khi còn rất bé đã thể hiện một tấm lòng nhân ái và có nhận thức về lẽ phải cũng như sự công bằng rất rõ. Công Nhân hay khóc thương cho những người lầm than cơ cực. Chưa đi học lớp 1 mà Công Nhân đã có thể nhanh chóng chỉ ra ngay nước Việt Nam trên quả địa cầu. Tôi có thể nói rằng Công Nhân là một người yêu nước và noi gương dũng cảm của Ba dượng là giáo sư Nguyễn Hoàng Phương và vị giáo sư Toán lý đã mạnh dạn nghiên cứu về tâm linh bảo vệ thuyết Duy tâm - nên đã tham gia Đảng Thăng tiến Việt Nam đấu tranh cho một chế độ đa đảng chỉ với mục đích góp phần vào xây dựng một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn.
Hiến pháp Việt Nam 92 không có điều khoản nào cấm một đảng chính trị khác được hoạt động, và cũng không có điều khoản nào quy định thủ tục đăng ký cho đảng chính trị. Mà lẽ đương nhiên là công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Công Nhân đã trả lời khi bị A42 thẩm vấn là khi nào Pháp luật quy định thủ tục đăng ký cho một đảng chính trị được hoạt động thì Đảng Thăng Tiến Việt Nam sẽ thực hiện ngay.
Một điều dể thấy là các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ trong mọi lĩnh vực đều thường được quy định sau khi những mối quan hệ ấy đã phát sinh do nhu cầu cầu của xã hội. Các bài giảng của Đại học Luật luôn xác định như vậy, trong khi đó xã hội thì luôn vận động và biến đổi nên các quy phạm pháp luật dể bị lạc hậu. Vì thế pháp luật luôn cần sửa đổi và bổ sung. Chính thế mà Hiến pháp 92 không nằm ngoài quy luật này.
Trong lịch sử hiện đại của nước ta không ít những người bị xử oan khuất đến khi được xét lại thì có người đã không còn nữa, đó là không nói tới gia đình của họ bị liên lụy và khổ sở như thế nào khi mà họ phải ở trong vòng lao lý. Vụ khoán 10, vụ Nhân văn Giai phẩm, những người tin vào thuyết duy tâm, những doanh nghiệp ngày xưa bị coi là bôc lột v.v...Thử hỏi những ai gây ra oan khuất này lương tâm họ có bị cắn rứt, lương tri của họ không bị dày vò? Chẳng lẽ đến thế kỷ 21 rồi, nước ta đã hội nhập vào WTO mà ta vẫn tiếp tục gây ra những oan khuất như trên? Chẳng lẽ ta không nhớ câu" Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi đó chính là sự thay đổi.
Ở nước ta hiện nay ai cũng rõ chuyên chính vô sản là thế nào. Con đuờng đấu tranh cho đa đảng ắt sẽ còn nhiều gian khó. Con tôi đã dũng cảm là một trong những người lội nước đi trước, đang vấp ngã và phải vướng vào lao lý. Nhưng tôi tin rằng với sự đấu tranh kiên cường, trong tương lai Việt Nam sẽ là một quốc gia theo chế độ đa đảng. Ai dù theo đảng nào mà có tài có đức sẽ được lòng tin của nhân dân, đó là điều chắc chắn.
Là một người mẹ, như những người công dân chân chính khác tôi đã không quản ngại nhọc nhằn, chăm chỉ làm việc, thậm chí trước khi có phong trào học tiếng Anh tôi chuyển sang làm gia sư dạy học thêm sau giờ đi làm, tôi đã phải lãnh thêm việc quét dọn vệ sinh cả toilet cho chỗ làm để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học đến nơi đên chốn. Giờ đây tôi đau xót vô cùng khi đứa con thân yêu của mình một người yêu đất nước quê hương đã dũng cảm đấu tranh cho đa đảng đang ở trong nhà giam dù phương thức đấu tranh là bất bạo đông.
Trên đây là ý kiến của tôi và tôi khẳng định tôi ủng hộ đa đảng. Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã nói trong bài "Vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam được hiểu như thế nào?" do Nguyễn Hùng Lĩnh ghi cũng trên báo An Ninh thế giới ngày 17/3/2007 như sau: "Việt Nam chưa bao giờ ngăn cản người dân thực hiện quyền tự do phát biểu quan điểm của mình, dù trên báo chí, các diễn đàn công khai hay bất cứ ở đâu, ngay cả khi họ có ý kiến chỉ trích chính phủ." khi trả lời Phó Đại sứ Hoa kỳ tại Hà Nội là ông Johnathan Loisi. Vì vậy tôi hy vọng sau khi tôi gửi đơn kiến nghị này lên chính quyền cũng như với những người quan tâm, tôi không bị chụp mũ là phản động cũng như bị ghép vào tội danh nào đó.
Tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét trường hợp của con tôi Luật sư Lê Thị Công Nhân một cách hợp tình, hợp lý.
Tất cả vì một nước Việt Nam tốt đẹp hơn.
Trân trọng kính chào
Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2007
Trần Thị Lệ