15. mar. 2007

Sydney đón nhận Tác phẩm ''Đông Âu tại Việt Nam'' của Tác giả Lý Thái Hùng

 (Sydney-VNN) Trong một bầu không khí phải nói là ấm cúng và dạt dào nhiều cảm xúc trước hiện tình đất nước, khoảng 200 quan khách và đồng bào đã đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm ''Đông Âu tại Việt Nam'' của tác giả Lý Thái Hùng được tổ chức tại Nhà Hàng Quốc Tế (Tây Nam Sydney) vào trưa Chúa nhật 11.3 vừa qua.


Quang cảnh buổi ra mắt sách "Đông Âu tại VN" ở Sydney, Úc châu
ngày 11.3.2007

Về phía quan khách hiện diện, ngoài những vị nhân sĩ và chức sắc trong Cộng đồng, chúng tôi nhận thấy đây là một trong những sinh hoạt của Cộng đồng đã có sự tham sự rất đông đảo của giới truyền thông Việt ngữ tại Úc Châu.
Sau nghi thức khai mạc, lúc 13 giờ 45, Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện Ban Tổ chức, lên chào mừng và cảm tạ quan khách cùng đồng bào đến tham dự. Trong phần phát biểu rất lôi cuốn, Bác sĩ Phong đã nhấn mạnh đến một số những diễn biến quan trọng của tình hình Việt Nam trong những năm 2005 và 06 như sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN sau Đại hội 10, sự xuất hiện liên tục của những tổ chức Dân chủ Việt Nam như Khối 8406 với bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam, Đảng Thăng Tiến, Đảng Vì Dân, Đảng Dân Chủ Nhân Dân, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền v.v... và Bác sĩ đã đặt ra câu hỏi và cũng chính là trọng điểm của buổi ra mắt tác phẩm ''Đông Âu tại Việt Nam": Liệu cơn bão dân chủ Đông Âu có thổi đến Việt Nam không và liệu những bài học Đông Âucó thể hoàn toàn áp dụng tại Việt Nam không? Và lúc nầy phải chăng là thời điểm thuận lợi nhất để áp dụng bài toán Đông Âu tại Việt Nam không?...

Trong phần trình chiếu bộ dương ảnh tiếp đó, rất nhiều những hình ảnh sống động về những cuộc đình công, biểu tình tranh đấu liên tục của người dân các nước Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức v.v... suốt một chặng đường lịch sử gần 10 năm từ 1980 đến 1989 đã đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn của các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Sô ngay sau đó. Với 12 phút tuy ngắn ngủi, nhưng bộ dương ảnh quả đã tạo được nhiều ấn tượng mạnh mẽ nơi người xem vốn đang khao khát một bình minh Dân chủ trên quê hương Việt Nam...

Tiếp đến, Kỹ sư Phan Đông Bích, cựu Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Tiểu bang NSW, một nhà nghiên cứu chính trị uy tín, lên giới thiệu về tác phẩm Đông Âu tại Việt Nam. Sau khi trình bày tổng quát về bố cục của tác phẩm, Kỹ sư nhấn mạnh rằng Đông Âu tại Việt Nam không phải là một quyển tiểu thuyết hấp dẫn và cũng không phải là một tập luận thuyết của một Đảng chính trị, đây là một tác phẩm nghiên cứu rất công phu và khoa học, đòi hỏi nơi người đọc nhiều quan tâm và suy gẫm. Nói tóm lại, đây là một tác phẩm hết sức cần thiết cho những ai quan tâm đến tương lai dân chủ đích thực cho quê hương Việt Nam từ những kinh nghiệm của cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu gần hai thập niên trước. Điều rất đặc biệt nữa là trong tinh thần cộng tác và xây dựng chân thành cùng tác giả, Kỹ sư Phan Đông Bích, nhân dịp nầy, cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cho tác phẩm trong lần tái bản tới.

Sau đó, Ban Tổ chức đã mời ông Trần Hùng, cựu Giám đốc thông tấn VNN, một người bạn thân của tác giả lên giới thiệu về ông Lý Thái Hùng. Theo ông nhận xét, nơi con người tác giả có 3 điểm nổi bật: Một, con người đã hầu như dành trọn cuộc đời và khả năng có được cho cuộc đấu tranh trong suốt 32 năm qua, kể từ khi còn là một sinh viên tại Nhật. Hai là đầy ắp nhiệt tình và thiện chí phục vụ trong nhiều lãnh vực văn hóa, xã hội cũng như đấu tranh trong Cộng đồng Việt Nam, và Ba là luôn luôn lạc quan về tương lai đất nước với một niềm tin tưởng rất mãnh liệt vào sức mạnh dân tộc... Ông Trần Hùng đã kết luận rằng chính những đặc điểm nầy nơi con người tác giả đã làm cho tác phẩm Đông Âu tại Việt Nam có một giá trị hết sức đặc biệt.

Trong phần chia sẻ cùng cử tọa tiếp đó, tác giả Lý Thái Hùng đã chân thành cảm tạ những góp ý cho tác phẩm của Kỹ sư Phan Đông Bích và phần giới thiệu về ông của ông Trần Hùng. Tác giả cho biết là đã bắt đầu biên soạn quyển sách nầy từ năm 1995, khi các cựu đảng Cộng sản trở lại chính quyền tại Ba Lan và Hung Gia Lợi sau khi họ đã bị lật đổ 5 năm trước đó, đây chính là điều đã thôi thúc tác giả phải nghiên cứu, tìm hiểu sâu đậm hơn về Đông Âu. Ông cũng cho biết thêm là tuy đã viết xong những chương về Đông Âu nhưng ông không có ý định xuất bản mà chỉ xem đó như những tài liệu tham khảo. Cho tới năm 2005, khi Việt Nam xảy ra nhiều biến chuyển quan trọng đưa đến sự chuyển mình của các lực lượng dân tộc dân chủ trong nước, ông đã cố gắng hoàn tất 2 chương cuối (9 và 10) chủ yếu khai triển và đối chiếu những sự kiện đã xảy ra tại Đông Âu vào tình hình Việt Nam để hy vọng từ đó rút ra được những kinh nghiệm cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam...

Ông cũng đã chia sẻ thêm cùng cử tọa những khó khăn trong việc thu thập, phân loại và phân tích rất nhiều những tài liệu thu thập được cũng như những vất vả trong cuộc sống, trong gia đình phải vượt qua để hoàn tất quyển sách trong vòng 10 năm... Chúng tôi cũng được biết thêm là đề tựa "Đông Âu tại Việt Nam'' của tác phẩm đã không do tác giả đặt tên mà đã được nhiều vị thức giả trong nước chọn lựa khi được tác giả tham khảo để nói lên quyết tâm đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Trong phần thảo luận tiếp đó do Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong điều hợp, nhiều ý kiến cũng như thắc mắc đã được cử tọa nêu lên. Trả lời câu hỏi là từ những kinh nghiệm Đông Âu, Việt Tân có những nỗ lực nào trong thời gian trước mặt để hóa giải những đàn áp dân chủ của CSVN hiện nay? Ông Lý Thái Hùng cho biết là trong thời gian tới, từ tháng 3 tới tháng 6.07, Việt Tân sẽ cùng phối hợp với Cộng đồng và nhiều Tổ chức khác để tiếp tục biểu tình quy mô cũng như nhiều nhiều công tác khác để đòi hỏi CSVN phải trả tự do ngay cho các Nhà Dân chủ trong nước. Hai nữa là vận động mọi giới đồng bào trong và ngoài nước tẩy chay cuộc bầu cử giả mạo của CSVN vào tháng 5 tới, vạch mặt chỉ tên bản chất bất lương của những ứng cử viên do CSVN sẽ công bố vào hạ tuần tháng 3, đồng thời, vận động quốc tế làm sáng tỏ bản chất dối trá của cuộc bầu cử nầy...

Trả lời những câu hỏi khác của một số cử tọa nêu lên những khác biệt của Đông Âu và Việt Nam hiện nay, tác giả Lý Thái Hùng đã cho biết rằng ngay chính các nước Đông Âu trong tiến trình cách mạng dân chủ cũng đã có những khác biệt: Ba Lan không giống với Hung Gia Lợi, Đông Đức cũng rất khác với Tiệp Khắc và Lỗ Ma Ni v.v... huống chi là Việt Nam vốn xa cách địa lý, lịch sử, văn hóa,... với các nước Đông Âu. Nhưng, tác giả nhấn mạnh, Đông Âu lúc ấy và Việt Nam hiện nay đều có chung một mẫu số là người dân đang bị dìm trong nô lệ và đang vùng lên đòi lại tự do. Đông Âu lúc ấy và Việt Nam hiện nay cũng có những tương đồng: Một, tình trạng phân liệt ngày càng trầm trọng trong nội bộ Đảng CSVN trong chính sách cải tổ trước những đòi hỏi của quần chúng và quốc tế, Hai, các tổ chức dân chủ đối lập với chế độ độc tài xuất hiện và phát triển dù bị đàn áp và khủng bố liên tục, song song với những nỗ lực tranh đấu đòi quyền tự do tôn giáo của nhiều tôn giáo, đưa tới sự công bố của Tuyên Ngôn Lịch sử ngày 8.4.2006: Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam, Ba là những cuộc tranh đấu đa diện của quần chúng liên tục đòi dân sinh, dân quyền như đòi lại nhà cửa, ruộng đất bị cường quyền cướp đoạt, tố cáo tham nhũng, bất công cùng với những cuộc đình công quy mô từ Nam chí Bắc của giới công nhân... tất cả đã minh chứng cho phong trào đối kháng đa diện của quần chúng nhân dân đang bùng lên, và Bốn là, áp lực của nhiều tồ chức Quốc tế về nhân quyền, về tự do tôn giáo, về tự do ngôn luận, truyền thông, văn bút... ngày càng gia tăng lên chế độ độc tài CSVN...

Nhiều câu hỏi và thắc mắc khác của cử tọa cũng đã được tác giả Đông Âu tại Việt Nam trả lời thỏa đáng trước những tràng pháo tay của cử tọa.
Xen kẽ trong chương trình ra mắt sách là những tiết mục văn nghệ rất hấp dẫn do các văn nghệ sĩ trong ban hợp ca của Khối 1706 trình diễn bên cạnh những giọng ca rất trìu mến của Nhất Luân, Lãng Ngọc v.v...

Buổi ra mắt tác phẩm ''Đông Âu tại Việt Nam'' chấm dứt lúc 16g40 sau phần cảm tạ cũng như cáo lỗi của tác giả vì giọng nói nhiều lần không được rõ ràng do bị khan cổ sau những chặng đường dài công tác qua những lục địa nóng, lạnh khác nhau.