Họp báo tại Quốc hội Hoa Kỳ tố cáo Việt Nam đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền
2007.03.15
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Những vụ bắt bớ, giam cầm các nhà dân chủ ở Việt Nam từ mấy tuần qua gây nhiều phản ứng trong dư luận trong và ngoài nước. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, các đoàn thể người Việt nước ngoài và một số chính trị gia Mỹ đã lên tiếng phản đối hành vi trấn áp những người bất đồng chính kiến của nhà cầm quyền Việt Nam.
Hôm thứ Tư 14 tháng 3, nhiều Dân biểu Hoa Kỳ cùng đại diện các tổ chức nhân quyền và nhiều đoàn thể người Việt hải ngoại đã tổ chức một cuộc họp báo ở trụ sở Quốc hội để thúc giục Ngoại trưởng Condoleezza Rice đưa vấn đề vi phạm nhân quyền ra với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhân chuyến thăm của ông tại Washington tuần này. Phóng viên Nhã Trân của đài Á Châu Tự Do có mặt tại chỗ và tường trình như sau.
Tập trung tại toà nhà Cannon trước tiền sảnh quốc hội Mỹ buổi sáng 14 tháng 3 là một số dân biểu, các nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, đại diện nhiều tổ chức, cộng đồng người Việt nước ngoài và giới truyền thông.
Cuộc họp báo nhằm mục đích lên án hành động đàn áp của chính quyền Việt Nam trong những ngày gần đây và yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice nêu vấn đề với Phó thủ tướng kiêm Bộ trửơng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trong cuộc gặp ngày hôm sau.
Dân biểu Chris Smith của bang New Jersey, điều hợp viên cuộc họp báo, khai mạc buổi sinh hoạt. Ông nói rằng chính quyền Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng sau khi đạt được những điều mong muốn:
"Trong thời gian trước khi được hưởng quii chế thương mại bình thường PNTR, điều kiện để được gia nhập WTO, chính quyền Việt Nam khoác bộ mặt tốt đẹp, cho thế giới cảm tưởng rằng chính sách của Hà Nội sẽ thay đổi, rằng song song với tiến triển về kinh tế, nhân quyền của người dân sẽ được tôn trọng.
Đáng buồn thay, ngay sau khi đã đạt được những điều mong muốn, họ trở mặt. Một loạt các vụ trấn áp, bắt bớ đã xảy ra. Hai người tôi biết rõ nhất là Luật sư Nguyễn Văn Đài và Linh mục Nguyễn Văn Lý, bị bắt giam chỉ vì các ý kiến của mình. Luật sư Lê Thị Công Nhân cũng bị bắt vì các tội danh tương tự".
Dân biểu Chris Smith nhấn mạnh, ông rất buồn và bất mãn trước việc những người bị bắt và bị giam cầm, xử phạt chỉ vì tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo.
Tiếp lời vị Dân biểu bang New Jersey Dân biểu Ed Royce đến từ bang California. Ông Royce cũng cho rằng ngay sau lúc đạt được những thành công về kinh tế đối ngoại, chính quyền Việt Nam đã trở mặt, đàn áp phong trào đòi hỏi nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo trong nước:
"Một loạt đàn áp, bắt bớ các nhà dân chủ xảy ra ở Việt Nam trong mấy tuần qua. Điều này đã bôi xấu hình ảnh chính quyền Việt Nam. Các báo cáo hàng năm về nhân quyền của chúng tôi cho thấy rằng Hà Nội đang cho thi hành một cuộc càn quét trên bình diện rộng, trù dập mọi hoạt động liên quan đến vấn đề dân chủ cũng như các hoạt động tôn giáo. Nhiều giáo hội bị sách nhiễu, đàn áp. Những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ bị bắt và trừng phạt. Luật sư Nguyễn Văn Đài còn bị thu hồi bằng hành nghề".
Dân biểu Ed. Royce tuyên bố sự đàn áp này không thể chấp nhận được, Hà Nội cần trả lời về hành vi của mình, và đáp ứng kêu gọi của thế giới, là tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm, tự do của dân chúng.
Dân biểu Dana Rohrabacher lên án rằng chính quyền Việt Nam đã hành động như một chính quyền cộng sản, là dập tắt mọi tiếng nói đối lập, đàn áp những người không cùng quan điểm. Ông nói Washington đã được Hà Nội tỏ ý rằng, cùng với phát triển về kinh tế, vấn đề tự do cũng sẽ được phát triển ở Việt Nam, thế nhưng thực tế đã chứng minh không phải vậy.
Theo ông, những nhân vật bất đồng chính kiến là những người tốt, đã vì quan tâm đến các giá trị của nhân loại, như tự do và nhân quyền, nhưng đã bị nhà cầm quyền đối xử thô bạo. Ông nói thêm:
"Những người này không phải là mối đe dọa của chính quyền Việt Nam, trừ khi Hà Nội chỉ quan tâm đến quyền lực và đàn áp, điều mà, thật không may, dường như là sự thật".
Tiếp theo đó, đại diện các đoàn thể người Việt và các tổ chức nhân quyền lần lượt lên diễn đàn.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển, phát biểu rằng sau khi Mỹ bỏ tên Việt Nam ra khỏi CPC, tức danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt, chính quyền Hà Nội đã cho tiến hành một loạt những vụ đập phá, tiêu hủy nhiều nơi thờ phượng của các tôn giáo.
Các giáo hội bị buộc phải chấp hành một thủ tục mới, gọi là "đăng ký sinh hoạt". Luật lệ này có những qui định khắt khe, nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo đồng thời tạo điều kiện cho việc bắt bớ những vị lãnh đạo tôn giáo. Ông nêu rõ:
"Chỉ có một số rất ít sinh hoạt tôn giáo được cho phép. Chỉ những hoạt động được chấp thuận trước mới được tiến hành. Việc thực hiện cũng bị hạn chế. Nhiều hoạt động chỉ được làm vào ngày Chủ nhật, nếu không thì những người liên can bị bắt".
Chủ tịch Uỷ ban Tự do Tôn giáo cho Việt Nam. Bà Ngô Thị Hiền, báo cáo rằng trong 10 ngày trở lại đây, sức khoẻ của Linh mục Nguyễn Văn Lý đã suy giảm nhiều sau thời gian bị quản chế, còn sức khỏe nhà báo Nguyễn Vũ Bình hiện đã đến mức báo động bởi ông không được khám và chữa bệnh. Bà kêu gọi các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam hãy quan tâm đến tình trạng nguy kịch này.
Giáo sư Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt, một tù nhân lương tâm đã bị giam giữ nhiều năm ở Việt Nam, nhắc lại rằng Tổ chức Quan sát Nhân quyền Human Rights Watch mới đây cho hay, loạt đàn áp phong trào dân chủ ở Việt Nam, xảy ra trong mấy tuần lễ vừa qua, là đợt trù dập tệ hại nhất của nhà cầm quyền kể từ 20 năm nay.
Về sự kiện chính quyền Việt Nam phát động đợt trấn áp này, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhận định:
"Tất cả những vi phạm này xảy ra ngay trong ngày đầu tiên, khi Việt Nam vừa được chấp nhận tham gia vào khối cộng đồng quốc tế, ngay sau khi Việt Nam được gia nhập vào WTO, ngay sau khi Thủ tướng Việt Nam qua Vatican thăm Đức Giáo Hoàng, ngay sau khi bản phúc trình hàng năm về nhân quyền được chính phủ Hoa Kỳ công bố và ngay trong lúc Phó Thủ tướng Việt Nam có mặt ở Mỹ. Đó là đường lối của chính quyền độc tài ở Việt Nam lâu nay".
Đại diện cho 40 hội đoàn, tổ chức của tập thể người Việt ở nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Hội đồng Điều hợp Trung ương của Nghị hội Toàn quốc Người Việt tại Hoa Kỳ, khẳng định các vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo trong mấy tuần qua ở Việt Nam là sai trái. Ông nhấn mạnh, các cộng đồng người Việt hải ngoại đã, đang và sẽ tiếp tục lên tiếng để tranh đấu giải trừ những bất công.
Kết thúc phần nói chuyện của các đại diện cộng đồng người Việt hải ngoại, Tiến sĩ Trần Văn Hải, thành viên của Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ có những hành động cụ thể để giúp chấm dứt chiến dịch đàn áp dân chủ, tôn giáo đang xảy ra ở Việt Nam hiện nay.
Nhã Trân tường trình tại Washington.
Các tin, bài liên quan