1. maj 2007

LỜI TRỐI CỦA CỐ GIÁM MỤC NGUYỄN QUANG TUYẾN: “GHCG VN đã bị Thuần Hóa”

Linh mục Andrew Nguyễn Hữu Lễ


LỜI TRẦN TÌNH: Vì Giám mục Nguyễn Quang Tuyến không còn sống và làm chứng cho những gì tôi sắp viết ra, nên tôi đặt những dòng chữ sau đây dưới sự chứng kiến của linh hồn cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Tôi sẽ mắc tội nếu tôi viết sai sự thật hoặc là đặt vào miệng vị Giám mục quá cố những gì Ngài không có nói. Về phần tôi, với lương tâm của con người mang chức vụ Linh mục, tôi sẽ viết lại một cách trung thực những gì Giám mục Nguyễn Quang Tuyến đã nhắn gởi cho tôi như một LỜI TRỐI. Những lời nào từ miệng Đức Cha Tuyến nói ra sẽ được tôi viết bằng chữ nghiêng, bên trong dấu ngoặc kép.


Bối cảnh tình bạn
Số phận an bài đưa đẩy tôi gặp gỡ và kết thân với một người bạn Linh mục ở miền Bắc vào năm 1988 là cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, về sau này Ngài trở thành Giám Mục của Giáo phận Bắc Ninh. Rồi cũng do số phận an bài tôi đã có dịp nói chuyện qua điện thoại với Giám mục Nguyễn Quang Tuyến, lúc đó đang trị bệnh tại Hoa Kỳ chỉ vài tháng trước khi Ngài qua đời.

Trong cuộc điện đàm đó, Ngài đã nói với tôi như là một LỜI TRỐI về tâm trạng của một Giám mục đang bị giày xéo tâm can trước tình cảnh vô cùng bi đát của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) trên ba thập niên qua. Trong hoàn cảnh như thế, Ngài đã không thể nói lên được và cũng chẳng biết thổ lộ cùng ai! Qua cách nói và lối diễn tả về thực trạng của GHCGVN tôi khó mà hình dung ra được người đang nói với tôi bên kia đầu giây là một Giám mục. Sau khi thổ lộ tâm can bằng giọng nói hùng hồn nhưng đầy sự đau đớn, có lúc bị uất nghẹn, Giám mục Nguyễn Quang Tuyến đã nhiều lần thúc giục tôi: "Bác Lễ viết đi, bác có khả năng và điều kiện bác viết ra đi, viết ra đi. Tuyến này sẽ làm chứng cho các lời bác viết".

Từ đó về sau, lúc nào câu nói: "Bác Lễ viết đi, bác có khả năng và điều kiện bác viết ra đi, Tuyến này sẽ làm chứng cho các lời bác viết" cũng văng vẵng bên tai tôi.

Thánh lễ an táng Đức Cố Giám Mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.

Để đọc giả có thể hiểu được mối thâm tình giữa cố Giám mục Nguyễn Quang Tuyến và tôi, từ đó dẫn đến việc Ngài trao gởi niềm ước mơ như là một LỜI TRỐI trước khi lìa đời, tôi xin trình bày mấy hàng dưới đây.

Tháng 7 năm 1988, sau 13 năm tù, tôi được tha ra khỏi trại giam Nam Hà và tôi đã lưu lại miền Bắc 2 tuần trước khi về Nam, như tôi có viết trong phần nhập đề của Bút Ký "TÔI PHẢI SỐNG". Tôi cố ý nán lại, với mục đích đi thăm một số giáo phận để tìm hiểu tại chỗ tình trạng giáo hội miền Bắc trải qua mấy chục năm dưới chế độ cộng sản, sau này khi nào có điều kiện tôi sẽ viết lại kinh nghiệm đó. Khi đến Bắc Ninh, tôi còn có ý định thăm gia đình người bạn tù Linh mục đang còn ở lại trong trại giam là cha Nguyễn Đức Hiểu tại làng Ngô Khê.

Giáo phận Bắc Ninh lúc đó rất tiêu sơ buồn thảm, với Giám mục Phaolô Phạm Đình Tụng già yếu và khoảng chừng 12 Linh mục, hầu hết đã lớn tuổi, cùng với vài ba Linh mục "chui", tức là những Linh mục được âm thầm phong chức mà không được chế độ cộng sản công nhận. Để tránh rắc rối, mọi người bên ngoài gọi các Linh mục "chui" này là "Anh", chỉ khi nào trong nhà với nhau chúng tôi mới gọi các ngài là "Cha".

Chính trong lần tới Bắc Ninh đó, tôi được gặp và kết thân với cha Nguyễn Quang Tuyến, đang là cha sở nhà thờ Chánh Toà. Cha Nguyễn Quang Tuyến rất hoạt bát, vui tươi, Ngài cùng độ tuổi với tôi và chúng tôi thân nhau dễ dàng. Chúng tôi gọi nhau là "bác", theo cách xưng hô thân mật của người Bắc, và vẫn giữ nguyên lối xưng hô đó mãi về sau này.

Có 3 việc tôi nhớ mãi về cha Tuyến. Vào những buổi tối mùa hè oi bức, cha Tuyến cùng mấy anh em Linh mục "chui" và tôi nằm bò trên sàn ván khu nhà khách, ăn bánh đa cùi dừa và chuyện trò với nhau rất thân mật. Việc thứ hai là cha Tuyến xin tôi nếu chưa vội về Nam thì ở lại giúp cho Ngài một ít kiến thức căn bản về tiếng Anh, tiếng Pháp mà Ngài không có dịp học. Điều thứ ba đặc biệt hơn là sau khi về Sài Gòn một thời gian ngắn, tôi nhận được thư cha Tuyến gởi vào, báo tin Ngài được Tòa Thánh chọn làm Giám Mục và " mời bác Lễ về Bắc Ninh dự lễ phong chức Giám mục của Tuyến sẽ tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng 1989, lễ kính Thánh Phaolô Trở Lại, Quan Thầy của Đức Cha Già ( Phaolô Phạm Đình Tụng)" . Hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ không có thể đi ra Bắc được, nên chỉ chúc mừng bằng một thư khá dài. Sau đó tôi vượt biên qua Thái Lan không bao lâu trước ngày Cha Tuyến được phong chức Giám mục.

Từ khi tôi trốn ra khỏi Việt Nam, Đức Cha Nguyễn Quang Tuyến và tôi ít có dịp liên lạc, chỉ thỉnh thoảng thư từ hỏi thăm nhau hoặc qua tin tức của những người có dịp về thăm Bắc Ninh. Mặc dù không liên lạc thường xuyên nhưng không vì thế mà tình bạn của chúng tôi suy giảm.

Lần đầu cũng là lần cuối
Mãi cho tới đầu năm 2006, tôi qua Mỹ để chuẩn bị cho Lễ Ra Mắt PHONG TRÀO QUỐC DÂN ĐÒI TRẢ TÊN SÀI GÒN, tôi được chị Kiều Mỹ Duyên cho hay có Đức Cha Nguyễn Quang Tuyến, Giám mục Bắc Ninh hiện đang trị bệnh tại Mỹ. Tôi nhờ chị liên lạc tìm giùm số điện thoại. Hôm sau chị trao cho tôi số phone của Đức Cha Tuyến đang ở Portland, tiểu bang Oregon, tôi gọi và đã gặp Ngài. Tôi rất vui mừng. Lần đó chúng tôi nói chuyện trên một tiếng rưỡi đồng hồ.

Mặc dù nội dung câu chuyện hơi khác thường, mang tính cách một sự trối trăn nhưng tôi không ngờ lần đầu nói chuyện với người bạn sau 18 năm xa cách cũng là lần cuối! Tôi coi đây là sự an bài huyền nhiệm để Giám mục Nguyễn Quang Tuyến có dịp gởi lại LỜI TRỐI cho tôi. Trong cuộc nói chuyện đó, Ngài luôn miệng thúc giục tôi:"Bác Lễ viết đi, bác có khả năng và điều kiện bác viết ra đi. Tuyến này sẽ làm chứng những lời bác viết." Tôi hứa là sẽ viết ra những gì Ngài muốn nhờ tôi nói lên. Tuy nhiên, tôi chưa kịp thực hiện thì Chúa đã gọi Giám mục Nguyễn Quang Tuyến về Nhà Cha vào ngày 24 tháng 9 năm 2006. Khi được báo tin buồn, tôi không cầm được nước mắt.

Thánh lễ an táng Đức Cố Giám Mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.


Sự thôi thúc không nguôi
Sau khi Đức Cha Tuyến qua đời, dường như trong tôi có sự thúc giục mãnh liệt phải lo thực hiện điều tôi đã hứa với Ngài. Tôi cảm tưởng như Đức Cha Tuyến đã "chết không nhắm mắt", như cách nói thông thường của người bình dân khi nói về người chết mà còn có gì ẩn uất trong lòng. Thực ra, không phải là tôi không muốn thực hiện LỜI TRỐI đó, nhưng tôi chờ một thời điểm thích hợp nhất để viết ra những lời tâm tư nhắn gởi của Ngài. Tôi có chia sẻ và bàn ý định này với vài người bạn thân.

Qua những sự việc xảy ra một cách đau buồn làm rối loạn nội tình của GHCGVN trong nước cũng như ở hải ngoại một vài tuần lễ vừa qua, nhất là từ sau phiên tòa "Bịt Miệng" xử tù Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Huế vào ngày 30-3-2007. Tôi nghĩ đã đúng lúc tôi công bố LỜI TRỐI của Cố Giám mục Nguyễn Quang Tuyến để rộng đường dư luận.

Lúc này, trên diễn đàn điện tử luôn thấy có những tin tức của một số người lên tiếng đặt vấn đề hoặc trách móc, phê bình, lên án Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và một vài chức sắc cao cấp trong GHCGVN về thái độ, lời nói hay cách hành xử sai trái của họ trước hoàn cảnh hiện nay của đất nước, trong đó có những lời phê phán gắt gao, nặng nề.

Tôi có cảm tưởng hiện nay một cuốn phim hài nhiều tập về GHCGVN đang được trình chiếu. Mỗi ngày một tình tiết mới xuất hiện và các khán giả mến mộ đang nóng lòng đón xem những hồi tiếp theo. Trong lúc tôi đang viết mấy dòng chữ này, có email cho biết bên Mỹ một số giáo dân đang lo "đánh vật" với sự kiện Giám mục Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và vài Giám mục khác đang có mặt tại California, sẽ có tiệc mừng và... quyên tiền tại các nhà hàng khác nhau trong dịp Tháng Tư Đen, thời điểm mà các Cộng Đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản trên toàn thế giới ngậm ngùi tưởng niệm ngày Quốc Hận. Thật ra, việc những chức sắc trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, điển hình là Giám mục Nguyễn Văn Sang, ra hải ngoại xin tiền về để "xây dựng Giáo Hội quê nhà" đã trở nên quá thông thường và không còn là đề tài thời sự nữa. Tuy nhiên trong lần này, vị Giám mục Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và một vài Giám mục nữa đồng loạt qua Mỹ và tổ chức "Tiệc Mừng" trong thời điểm Quốc Hận 30 tháng Tư, đã khiến cho nhiều người nhìn nhau lắc đầu và hỏi: "Thế này là thế nào?"

Nội dung Lời Trối
Trở lại cuộc điện đàm hôm đó, khi bắt đầu câu chuyện tôi hỏi thăm Đức cha Tuyến về bệnh tình, và Ngài cho biết bị chứng ung thư khó lòng cứu chữa, tôi nói sẽ cầu nguyện cách riêng cho Ngài.

Tiếp theo tôi hỏi về tình trạng Giáo Hội tại quê nhà. Tới đây, tôi cảm thấy Đức Cha Tuyến linh hoạt hẳn lên và đã gần như độc thoại bằng giọng nói hùng hồn nhưng chứa đầy đau thương uẩn khúc, để cố diễn tả những gì đã chất chứa trong lòng từ lâu. Ngài dùng cách nói "bọn ma quỷ" khi đề cập đến chế độ cộng sản. Ngài nói "bọn ma quỷ" đã làm hết mọi cách để cấy người của đảng vào các cấp của Giáo Hội, không phải chỉ trong hàng ngũ Giám mục và Linh mục, mà ngay cả trong các Hội Đồng Giáo Xứ. Vì thế, trong cương vị Giám mục, Ngài chú tâm rất nhiều trong việc xây dựng cơ cấu Hội Đồng Giáo Xứ tại các xứ, các họ, không để cho " bọn ma quỷ" cài người của chúng vào.

Sau đây là 5 câu nói mà tôi còn nhớ nguyên văn từ miệng Giám Mục Nguyễn Quang Tuyến hôm đó, theo thứ tự thời gian của cuộc điện đàm.

1. "Đau đớn và nhục nhã lắm bác Lễ ơi! Những người nào được bọn ma qủy cho chịu chức Linh mục đều phải ký một tờ giấy cam đoan làm việc cho họ"

2. "Việc bọn ma quỷ cho phép phong chức hơn 50 linh mục tại Hà Nội vừa qua là một trò hề. Chúng nó lợi dụng đạo Công giáo để đánh bóng cho chế độ. Càng có nhiều Linh mục trẻ thì Giáo hội càng chết bác Lễ ơi. Tôi rất cẩn thận và hạn chế phong chức Linh mục trong Giáo phận của tôi."

3. "Tôi làm gì có tiếng nói trong Hội Đồng Giám Mục. Họp hành chỉ là hình thức thôi. Mà thực ra Hội Đồng Giám Mục cũng chả có tiếng nói gì. Bọn Huỳnh Công Minh điều khiển tất cả"

4. "Giáo hội Công Giáo Việt Nam hiện nay đã bị THUẦN HÓA cả rồi bác Lễ ơi. Từ Hồng Y, Giám mục, Linh mục Tu sĩ đến giáo dân đều đã bị THUẦN HÓA cả rồi. Bác có hiểu nghĩa của THUẦN HÓA không? THUẦN HÓA cũng giống như người ta huấn luyện những con sư tử dạy chúng làm trò nhào lộn nhảy múa cho chủ lấy tiền ấy mà! Đau đớn và nhục nhã lắm bác Lễ ơi."

5. "Bác Lễ viết đi, bác có khả năng và điều kiện bác viết ra đi. Tuyến này sẽ làm chứng cho những lời bác viết."


Tôi cảm thấy nhẹ người sau khi đã thực hiện xong lời hứa với cố Giám mục Nguyễn Quang Tuyến. Người đời thường nói, LỜI TRỐI là những lời nói chân thành nhất của con người khi biết mình sắp phải từ giã cuộc đời. Giám mục Nguyễn Quang Tuyến đã để lại LỜI TRỐI mà tôi vừa làm nhiệm vụ chuyển đạt đến tất cả mọi người. Mặc dù những gì Ngài nhắn gởi lại có thể gây kinh ngạc cho một số người, nhưng tôi biết đó là những lời trung thực nhất khi nói về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong suốt 17 năm Ngài làm Giám mục.

Lời Cầu Nguyện
Bác Tuyến quý mến, giờ đây Bác có thể nhắm mắt yên nghỉ trong giấc ngủ ngàn thu, vì LỜI TRỐI của Bác gởi gấm lại cho tôi đã được thực hiện. Tôi tin chắc là Bác đang ở Thiên Đàng với Đấng đã sanh dựng ra Bác và ban cho Bác Thánh Chức Giám Mục để phục vụ Dân Chúa. Khi còn sống Bác đã ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã không có thể chu toàn ước nguyện của một Giám Mục chân chính, muốn được thấy một Giáo Hội Công Giáo tinh tuyền, thánh thiện, xứng với vai trò Chứng Nhân Cho Sự Thật. Ngược lại, Bác đã phải uất hận gởi lại LỜI TRỐI trước khi từ giã cõi đời qua câu nói "Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã bị THUẦN HÓA". Trên Thiên Đàng, xin Bác hãy cầu bầu cho Dân Tộc và Giáo hội Công giáo Việt Nam sớm thoát khỏi nanh vuốt của "bọn ma quỷ" là những kẻ đã thành công trong việc "THUẦN HÓA" Giáo Hội.

Kết luận

Hai chữ "THUẦN HÓA" của cố Giám mục Nguyễn Quang Tuyến đã diễn tả một cách quá đau thương về hoàn cảnh GHCGVN dưới chế độ vô thần cộng sản. Khi nói GHCGVN đã bị "THUẦN HÓA" tôi hiểu ý của Ngài và xin nói rõ ý đó ra đây và dùng làm phần kết luận của bài viết này:

Xin đồng bào Công giáo nên ý thức về hiệu quả trong việc viết bài phê bình, chỉ trích, kết án các Hồng Y, Giám mục, Linh mục Việt Nam, gọi họ là những kẻ hèn nhát, câm nín và trốn trách nhiệm. Đó là việc làm uổng công vô ích. Hãy hiểu rằng, "bọn ma quỷ" đã "THUẦN HÓA" họ cả rồi, họ cũng chỉ là những nạn nhân mà thôi.

Ngược lại, xin hãy dành thời giờ và công sức cùng nhau quyết tâm triệt hạ "bọn ma quỷ" Việt gian cộng sản, là những kẻ đã dùng thủ đoạn đầy tinh vi quỷ quyệt để "THUẦN HÓA" Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Và chúng đã thành công. Chỉ có tội đồ Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo của chế độ Việt gian cộng sản do Hồ Chí Minh dựng lên mới là những kẻ phải bị kết án.

Thật vậy, mọi người phải hiểu rằng, không có gì làm cho "bọn ma qủy" Việt gian cộng sản vui mừng và sung sướng hơn là được thấy càng lúc càng có nhiều giáo dân tỏ ra nhiệt tâm hăng hái trong việc phê bình, chỉ trích, kết án các Hồng Y, Giám mục, Linh mục... mà quên đi thủ đoạn tinh vi quỷ quyệt của "bọn ma quỷ". Thật ra chính "bọn ma quỷ" Việt gian cộng sản là những chủ nhân rành nghề của gánh xiếc. Những chủ nhân này đã khéo léo "THUẦN HÓA" đàn sư tử, dạy chúng làm trò nhào lộn nhảy múa trên sân khấu để thu tiền, như cố Giám mục Nguyễn Quang Tuyến đã dùng hình ảnh đó để diễn tả về hiện tình GHCGVN, trong nỗi uất nghẹn, trước khi từ giã cõi đời.

Tại Thành Phố Auckland, New Zealand
Tháng Tư Đen 2007
Linh mục Andrew NGUYỄN HỮU LỄ



Tóm lược tiểu sử Ðức cố Giám mục Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến,
Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh.

DẪN

1. Thời Niên Thiếu
Ngược dòng thời gian
Cậu bé Giu-se Nguyễn Quang Tuyến cất tiếng khóc chào đời ngày 20.9.1945 tại giáo xứ Ðại Lãm - một giáo xứ miền quê thuộc giáo phận Bắc Ninh. Cậu được rửa tội ngày 27.9.1945 tại nhà thờ của giáo xứ.

Thân phụ ngài là cụ cố Giu-se Nguyễn Văn Tô - một nhà giáo từ năm 1954 đã dạy học trong các trường nhà chung. Cụ cố tạ thế ngày 27.3.1983 để lại niềm đau khôn tả và sự mất mát lớn lao cho gia đình.Thân mẫu ngài là bà cố Anna Nguyễn Thị Ðể - một bà mẹ Công giáo đạo đức thánh thiện, hết lòng yêu thương chăm lo cho chồng con. Hai cụ cố chính là những người thày đầu tiên và không thể thay thế trong việc giáo dục cậu Giu-se Tuyến về kiến thức, nhân bản và đức tin Công giáo.

Là người con thứ hai trong gia đình có 6 anh em: bốn trai, hai gái, ngay từ nhỏ Cậu Nguyễn Quang Tuyến luôn tỏ ra là một cậu bé chăm ngoan, chịu khó học tập và hằng ngày theo mẹ đến nhà thờ của giáo xứ, cậu có lòng yêu mến Mẹ Ma-ri-a cách đặc biệt.

Ngay khi học tiểu học, cậu đã tỏ ra là một học sinh thông minh, có chí hơn người, cậu luôn là học sinh dẫn đầu lớp. Nhưng không vì giỏi giang mà cậu kiêu căng tự đắc, trái lại cậu luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè cùng nhau tiến bộ.

Tháng 8.1957, Cậu nhập Tiểu Chủng Viện Gio-an Hà Nội. Tại đây trong ba năm trời, Cậu luôn là chủng sinh gương mẫu, say mê học tập, tu luyện.
Ðến năm 1960, do hoàn cảnh xã hội thay đổi, Cậu chủng sinh Giu-se Tuyến phải tạm rời Tiểu Chủng viện Gio-an Hà Nội về quê hương Ðại Lãm, trong lòng cậu ngổn ngang tiếc nuối vì sự nghiệp học hành dang dở.

Trở về quê hương, cậu chủng sinh Nguyễn Quang Tuyến sống trong mái ấm yêu thương gia đình và tình làng nghĩa xóm. Nơi đây, Cậu tiếp tục học văn hóa và tốt nghiệp Phổ thông Trung học năm 1964, đồng thời vẫn luôn nuôi chí hướng dấn thân tu trì. Quãng thời gian sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học là thời kì đầy thử thách gian khó đối với cậu chủng sinh Nguyễn Quang Tuyến. Nhưng gian khó không thể cản bước Cậu trên đường dấn thân cho lí tưởng tu trì.

Trong hoàn cảnh xã hội hết sức khó khăn, Cậu phải vừa lao động một nắng hai sương trên đồng ruộng như bao người dân quê khác, vừa tiếp tục thầm lặng học Thần học do Ðức Giám mục giáo phận lúc đó là Ðức cha Phao-lô Phạm Ðình Tụng hướng dẫn dìu dắt.

2. Cuộc Ðời Linh Mục
Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Sau bao năm bền tâm vững chí học tập, tu luyện trong gian khó, thày Giu-se Nguyễn Quang Tuyến đã được Chúa thương chọn gọi lên hàng Tư tế.

Ngày 16.9.1974, Ðức Giám mục giáo phận Phao-lô Phạm Ðình Tụng đã long trọng đặt tay truyền chức linh mục cho thày Giu-se cùng 8 thày khác. Tuy nhiên, mãi đến năm 1980, cha Giu-se mới công khai làm việc mục vụ.

Do hoàn cảnh thiếu vắng nhân sự, trong gần 15 năm thi hành tác vụ linh mục (1974-1989), Ngài đã làm cha xứ coi sóc nhiều giáo hạt, có lúc gần như cả giáo phận. Và Ngài luôn ưu tiên cho việc đào luyện các chú tu sinh. Dầu cho hàng núi công việc mục vụ đè nặng trên vai, thế nhưng cha Giu-se vẫn luôn vui tươi, gần gũi thân thiện với mọi giáo dân. Mọi người đều cảm nhận nơi cha một trái tim đầy yêu thương tha thiết.

3. Cuộc Ðời Giám Mục
Thiên Chúa luôn làm những việc thật kì diệu vượt quá tầm mong ước của con người. Có ai ngờ một cậu bé phải bỏ dở học Tiểu chủng viện năm xưa lại có ngày làm chủ chăn một giáo phận! Cha Giu-se Nguyễn Quang Tuyến đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Phó giáo phận Bắc Ninh và được chính thức tấn phong ngày 25.1.1989. Từ đây, ngài cùng chung vai với Ðức Giám mục Phao-lô Phạm Ðình Tụng dẫn dắt, chăm lo cho đoàn chiên giáo phận.

Ngày 23.4.1994, Ðức Giám mục Phao-lô Phạm Ðình Tụng được bổ nhiệm về coi sóc Tổng giáo phận Hà Nội. Vì thế, Ðức cha Giu-se được giao quyền kế vị và đến ngày 8.8.1994 Ngài chính thức trở thành Giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh lãnh đạo toàn thể đoàn chiên giáo phận. Khẩu hiệu Giám mục của Ngài được lấy từ Tin Mừng thánh Gio-an: "Xin cho mọi người nên một" (Ga 17,20).

Trong bối cảnh quá thiếu vắng linh mục, Ðức cha Giu-se một mặt tìm cách gửi chủng sinh đi đào tạo, mặt khác Ngài chú trọng đào tạo và xây dựng Ban hành giáo toàn giáo phận. Chính những người giáo dân này đã là những cánh tay đắc lực giúp Ðức cha cai quản giáo phận trong những thời kì gian khó; họ thực sự là những nòng cốt trong việc tổ chức gìn giữ và sống niềm tin Công giáo sống động tại các giáo xứ.

Việc đào tạo chủng sinh, ngay năm đầu tiên trên cương vị Giám mục chính tòa, Ðức cha Giu-se đã gửi 9 chủng sinh đi học tập tu luyện tại Ðại chủng viện Hà Nội. Rồi từ đó, cứ hai năm một lần, Ngài đều đặn gửi chủng sinh sang Ðại chủng viện. Trong đời Giám mục của mình, Ngài đã gửi tất cả 60 chủng sinh đi học tại Ðại chủng viện Hà Nội, chưa kể một số chủng sinh đi đào tạo tại các nơi khác trong và ngoài nước.

Những hạt mầm chủng sinh giờ đây đã trở thành các linh mục của Chúa; họ thật sự là những cộng tác viên đắc lực và là đại diện của Giám mục cai quản các giáo xứ. Trong đời Giám mục, Ngài đã truyền chức cho gần ba chục linh mục.
Ngoài ra Ðức cha Giu-se còn củng cố và xây dựng các hội đoàn giáo dân Công giáo khắp giáo phận: Thiếu nhi Thánh Thể, Giáo lí viên, Ca đoàn, Giới trẻ, Hội Mân côi, Hội Gia trưởng, Huynh đoàn Dòng ba Ða-minh.

Sinh hoạt của tất cả các đoàn thể này đã tạo nên một bầu khí sống đạo nhiệt thành, an vui và hiệp nhất trong các giáo xứ. Hàng năm, Ðức cha đều lần lượt tổ chức các khóa huấn luyện dành cho các hội đoàn về học tập tại Tòa giám mục. Và Ngài luôn dành thời gian gặp gỡ, chia sẻ và ban huấn dụ cho họ. Ðiều này đã làm cho mối quan hệ giữa vị Chủ chăn và các hội đoàn thật gần gũi, thân mật như những cành nho kết hợp với thân nho.

Vị chủ chăn không chỉ ở yên trong tòa Giám mục, mà Ngài thường xuyên đi đến thăm viếng đoàn chiên của Ngài qua các cuộc kinh lý khắp các giáo xứ trong giáo phận. Các xứ họ dù xa hay gần, nông thôn hay thành thị, đồng bằng hay miền núi đều in dấu chân của Vị mục tử nhân hiền.

Nhiều giáo xứ đã hàng chục năm không có chủ chăn nên đã òa khóc vì cảm động và sung sướng khi Vị mục tử nhân hiền đến với họ, vì họ biết rằng Ngài đến sẽ mang bình an, niềm vui và tình thương đến cho họ. Mỗi dịp đi kinh lý chính là dịp Ðức cha Giu-se ban các bí tích, tháo gỡ nhưng ngăn trở. Qua đó, Vị mục tử làm ấm nóng lại những tâm hồn nguội lạnh, làm tươi mát những tâm hồn khô khan, hàn gắn yêu thương những đổ vỡ hận thù, mang lại an bình cho những tâm hồn đau khổ buồn sầu. Bao khó khăn đến từ nhiều phía vẫn không ngăn nổi vị mục tử đến với đoàn chiên của mình. Ðến nơi đâu, Vị mục tử đều để lại tin yêu và nhớ nhung trong lòng đoàn chiên ở đó. Giáo dân xứ họ nào cũng muốn níu kéo Vị chủ chăn ở lại với mình.

Công việc mục vụ cho đoàn chiên đông đảo và rộng khắp giáo phận luôn đè nặng trên đôi vai Ngài, khiến cho đầu óc Ngài luôn phải suy tư tính toán. Vì thế, để cho đầu óc bớt căng thẳng và kiếm tìm một chút thảnh thơi, Ngài thỉnh thoảng cũng cần những chuyến tham quan du lịch những danh lam thắng cảnh của đất nước.

Ngoài việc xây dựng các đoàn thể nhân sự, Ðức cha cũng đã cho khởi công trùng tu và xây dựng nhiều nhà thờ, nhiều cơ sở vật chất trong giáo phận. Ngài đã đến tận nơi dâng Thánh lễ đặt móng cũng như Thánh lễ khánh thành nhà thờ tại nhiều xứ họ. Những ngôi nhà thờ với tháp chuông vươn cao như những biểu tượng thật đẹp về khát vọng niềm tin của con người luôn hướng tới Trời cao.
Bên cạnh những chuyến đi viếng thăm mục vụ chính thức, ngài còn có nhiều chuyến thăm viếng từ thiện bác ái tới các cô nhi viện, trại phong, những gia đình hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi các Ðấng bậc đau ốm.

Ðặc biệt là chuyến thăm viếng người cha, người thày và cũng là vị đồng nhiệm một thời với Ngài: Ðức Hồng y Phao-lô Phạm Ðình Tụng khi đang ốm nặng trên giường bệnh. Những tưởng cha sẽ ra đi trước con, vậy mà, có ngờ đâu...
17 năm trên cương vị Giám mục, gánh nặng của công việc mục vụ đã gần như vắt kiệt sức lực của Ðức cha Giu-se. Mặc dù Ngài mắc căn bệnh hiểm nghèo đã hơn hai năm trời, nhưng Ngài vẫn âm thầm chịu đựng những đau đớn của thể xác với một tinh thần vui lòng đón nhận trong niềm tin tưởng rằng: đó là lời mời gọi vác thập giá cùng Chúa Ki-tô, và chính Chúa Giê-su cũng đang cùng chung chia những đau đớn với ngài.

Niềm tin và tình yêu luôn làm nên những điều kì diệu: khi Chúa và Ðức cha cùng chung chia một niềm đau thì niềm đau ấy vơi đi rất nhiều và hi vọng rất nhiều. Trong huyền nhiệm của tin yêu, tất cả đau khổ lại hóa thành những niềm đau êm ái, ngọt ngào. Ðó chính là lí do để Ðức cha có thể vui lòng can đảm chịu đựng những đau đớn của bệnh tật.

Bệnh tật của Ðức cha Giu-se ngày một nặng dần. Giáo phận cùng với Quí Cha và giáo dân Bắc Ninh hải ngoại đã thu xếp để Ngài hai lần đi Hoa Kỳ chữa bệnh. Các y bác sĩ tại Hoa Kỳ đã hết lòng tận tình chăm sóc và chữa trị bệnh cho Ðức cha. Nhưng vì căn bệnh hiểm nghèo, Ðức cha đã không qua nổi nhiều ca phẫu thuật nối tiếp nhau. Cuối cùng, Ngài đã an nghỉ trong Chúa lúc 5g58 ngày chủ nhật, 24.09.2006 tại bệnh viện Providence Portland Medical Center, bang Oregon, Hoa Kỳ, hưởng thọ 61 tuổi.

Và trong niềm tín thác vào Chúa Ki-tô phục sinh, hàng triệu tín hữu Công giáo trong và ngoài nước đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Ngài, mong cho Ngài sớm về hưởng phúc cùng Cha trên trời. Vị chủ chăn ra đi, cả giáo phận Bắc Ninh như chìm vào trong mùa thương khó. Tất cả đoàn chiên trở thành những đứa con mồ côi bơ vơ, mếu máo chít vòng khăn tang trắng đến tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Cha mình tại khắp các giáo xứ trong giáo phận.

Ðức cha Giu-se khả kính ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn và một nỗi trống vắng trong lòng bao người. Hình ảnh một vị mục tử nhân hiền, thân thiện còn đọng lại mãi trong mọi trái tim đoàn chiên của Ngài. Bao con cái Ngài như không muốn chấp nhận sự ra đi của Ðức cha và chỉ muốn khóc gào lên: Ðức cha ơi! Ới Ðức cha ơi! Hãy ở lại, hãy ở lại với chúng con!

Kết
Vâng, xác thân Ðức cha kính yêu đã vĩnh viễn ra đi rời xa con cái ngài, thế nhưng, những giáo huấn, những tình cảm thân thương, niềm tin yêu mãnh liệt và lòng hi sinh can đảm dấn thân phục vụ đoàn chiên của Ngài thì vẫn hằng ở với con cái luôn mãi.

Như hạt giống gieo vào lòng đất, phải mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái. Chính lúc Ðức cha ra đi lại là lúc những tâm nguyện của Ngài vọng về rõ nhất, đánh động mọi trái tim: Hãy yêu thương nhau, các con hãy yêu thương nhau. Hãy hiệp nhất nên một, các con hiệp nhất nên một trong yêu thương.

Xin mượn những vần thơ của chính Ðức cha như một lời kết để phác họa chân dung đầy yêu thương hi sinh của Ngài, và cũng như di chúc Ngài để lại cho mỗi chúng ta:

Xin nguyện làm viên gạch dưới tầng sâu,
Làm chất đốt cho cuộc đời ấm lửa,
Làm phân bón cho cây đời tươi nhựa,
Trĩu quả vàng bát ngát những mùa sau.

http://www.catholic.org.tw/