1. maj 2007

Người Công Giáo Việt Nam phải làm gì và có vai trò như thế nào đối với đất nước?

 Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA 2007.04.13

Trong suốt hai tuần lễ vừa qua và ngay sau ngày Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị tòa Thừa Thiên-Huế kêu án 8 năm tù và 5 năm quản chế chỉ vì lên tiếng kêu gọi nhà nước phải thực thi dân chủ, tôn trọng quyền làm người, dư luận trong và ngoài nước đều có chung một dấu hỏi khá lớn, là trước những gì đã xảy ra, người Công Giáo Việt Nam phải làm gì, phải có vai trò như thế nào đối với đất nước? Những thắc mắc vừa nêu được Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi đến vị khách mời tuần này. Khách mời là Linh Mục Phan An Bình ở Roma. Linh Mục Bình vừa hoàn tất khóa học kéo dài 3 năm và vào cuối tuần này sẽ về lại Việt Nam.

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại phiên toà án xét xử ở Thừa Thiên Huế. hôm 30-3-2007. AFP PHOTO

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và chúng tôi xin được gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ câu Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần. Cũng xin được nhắc lại quan điểm của Linh Mục Phan An Bình không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ðài chúng tôi.

 

Phải tranh đấu chống lại bất công

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả, Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do xin cám ơn Linh Mục đã đồng ý dành cho chúng tôi buổi nói chuyện hôm nay. Thưa Linh Mục, câu hỏi đầu tiên là câu rất nhiều đang đặt ra là người Công Giáo Việt Nam đang đóng vai trò gì và phải làm gì trước hiện tình của đất nước?

Linh Mục Phan An Bình: Thưa anh và quý đài , tôi thấy người Công Giáo ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, là phải nhớ tới ơn gọi và sứ mệnh của mình mà Ðức Kitô trao cho khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy.

Cho nên khi người Công Giáo thấy rằng Nước Chúa Kitô, tức là sự công bình chưa ngự trị trong xã hội, thì phải đem giá trị Tin Mừng, phải làm cho xã hội đó trở nên công bình hơn và bác ái hơn. Hiện tại ở trong nước, chúng ta thấy từ Bắc chí Nam, sự sợ hãi đang bao trùm và sự dối trá trở thành một hiện tượng, và đang làm cho xã hội bị tha hóa.

Cho nên, người Công Giáo cần phải có một chính sách, một thái độ, để làm sao vượt lên trên sự sợ hãi, tìm được sự bình an và phải cương quyết chống lại sự dối trá.

Khi Ðức Kito sống lại, Ðức Kitô luôn luôn chúc cho các môn đệ của Ngài "bình an cho chúng con" và để đảm bảo cho sự bình an đó, Ngài đã ban Thánh Thần và Ngài luôn luôn nói "đừng sợ, chúng con đừng sợ hãi". Ðiều này được lập đi lập lại 366 lần trong toàn bộ Kinh Thánh.

Ðể vượt lên trên sự sợ hãi, người Công Giáo phải làm sao cho Chúa Kito hiện diện đích thực trong cuộc đời của mình, và phải cầu xin Chúa Thánh Thần đến hoạt động trong tâm hồn của mình, trong gia đình cũng như xã hội của mình. Người Công Giáo cũng phải nhớ rằng "chúng ta là chứng nhân của Ðức Kitô", là "những người thợ xây dựng Nước Trời", và phải làm sao làm chứng cho Ngài bằng sự tranh đấu chống lại bất công, tranh đấu trong thái độ bất bạo động, trong khuôn khổ của hiến pháp.

Người Công Giáo trong nước cũng nên nhận rõ tình hình của thế giới, để cố gắng dấn thân hơn theo tiếng gọi của Ðức Kitô. Quả thực ngày xưa Giáo Hội thường dựa theo lời của Thánh Phao-Lô để hoạt động, tức là đức tin cần phải sống bằng đức bác ái, đức tin cần phải sinh động hóa bằng đức bác ái.

Nhưng ngày nay, Giáo Hội thường xuyên nhắc nhở cho chúng ta biết rằng lòng tin phải đi đôi với sự công bình, không có sự công bình thì cũng không có đức bác ái. Do đó, những người Công Giáo Việt Nam đang hiện diện giữa lòng dân tộc nên nghe tiếng của Thày Chí Thánh, cung dấn thân với Ngài để cùng hoạt động, để cùng bắt tay thực thi những điều Công Ðồng Vatican II đã khuyến khích chúng ta.

 

Phải dấn thân hơn nữa

Nguyễn Khanh: Linh Mục vừa nói người Công Giáo Việt Nam phải tranh đấu chống lại bất công, phải dấn thân hơn nữa. Thưa Linh Mục, làm sao họ có thể thể hiện điều này trong một tình trạng đầy khó khăn như hiện giờ?

Linh Mục Phan An Bình: Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống hàng ngày của mình, mình cần phải sống công bình hơn, vì chính người đã phớt lờ trước tiếng gọi của lương tâm để sống cũng bất công như những người khác. Trong tình thế hiện tại, tôi cho rằng người Công Giáo Việt Nam không nên thụ động.

Từ xưa đến nay, người Công Giáo Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam giữ một thái độ thụ động, cộng thêm với áp lực của chế độ, chúng ta lại thấy thái độ thụ động đó lại càng tăng trưởng thêm, bởi vì chế độ này đã làm cho người dân sợ hãi. Do đó, người Công Giáo hiện tại cần phải bắt tay để thực thi Nước Chúa, tức là làm cho sự công bình được thực hiện trong lòng dân tộc.

Người Công Giáo cũng phải nhớ rằng "chúng ta là chứng nhân của Ðức Kitô", là "những người thợ xây dựng Nước Trời", và phải làm sao làm chứng cho Ngài bằng sự tranh đấu chống lại bất công, tranh đấu trong thái độ bất bạo động, trong khuôn khổ của hiến pháp.

Linh Mục Phan An Bình

Thực ra, hiện tại cũng có một số người Công Giáo đã cùng với Cha Nguyễn Văn Lý vào tù để tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do, cho dân chủ, đó là những người giáo dân thật sự nêu gương cho chúng ta, và bằng cách này cách khác, người Công Giáo Việt Nam chúng ta cũng có thể đi theo đường lối đó, có thể bằng cách âm thầm hay công khai, chúng ta hướng đến việc xây dựng một nền công lý cần thiết cho tự do, giải phóng dân tộc của chúng ta.

Nguyễn Khanh: Trong những điều Linh Mục mới trình bày với chúng tôi, chúng tôi để ý thấy điều Linh Mục nói rằng là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bây giờ là một Giáo Hội thụ động, trong khi đó thì lại có người nói Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội hoạt động một cách thầm lặng.

Dẫu là thầm lặng hay thụ động như Linh Mục nói, chúng tôi vẫn có cảm tưởng dường như Linh Mục không hài lòng với việc làm hay là thái độ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Không biết nhận xét của chúng tôi có đúng không?

Linh Mục Phan An Bình: dạ thưa thật sự từ trong nội bộ cho đến những việc đối với ngoài xã hội, tôi thấy Giáo Hội Việt Nam có rất nhiều thái độ thụ động, tức là chưa đạt tới mức mà Chúa Kitô cũng như dân Chúa đang mong ước. Thí dụ trong vấn đề phụng vụ, cả nửa thế kỷ nay trải qua bao nhiêu Hội Ðồng Giám Mục, chúng ta thấy vẫn chưa hoàn chỉnh được.

Ở mặt ngoài xã hội, chúng ta thấy nếu đem so với Giáo Hội Hàn Quốc là một Giáo Hội tranh đấu tích cực cho công bình xã hội, cho công lý thì Giáo Hội Việt Nam thua xa lắm. Chính vì vậy mà mức độ phát triển của Giáo Hội Việt Nam không thể nào so sánh được với Giáo Hội Ðại Hàn.

Chúng ta có thể lấy ánh sáng từ những Giáo Hội bạn của chúng ta, ngay bên cạnh chúng ta, để học lấy bài học dấn thân, bởi vì Giáo Hội được sinh ra để làm cho Nước Chúa Kito rộng mở. Nước Chúa Kito rộng mở làm sao được, nếu Giáo Hội không tích cực chống lại những bất công trong xã hội?

Vấn đề công bình là vấn đề liên quan tới tất cả mọi người, khi chúng ta hoạt động cho công lý, cho công bình, thì mọi người sẽ biết đến Chúa Kitô, còn bác ái thì chỉ nằm trong một phạm vi nào thôi.

Nguyễn Khanh: Có khi nào Linh Mục đặt những điểm Linh Mục mới trình bày với chúng tôi cho các vị Giám Mục hay những vị Linh Mục khác trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hay không, và nếu có, câu trả lời hay phản ứng Linh Mục ghi nhận được như thế nào?

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại phiên toà án xét xử ở Thừa Thiên Huế. hôm 30-3-2007. AFP PHOTO
>> Xem hình lớn hơn

Linh Mục Phan An Bình: Thưa anh, thực sự chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm về những đệ đạt đưa lên cho các vị có thẩm quyền. Chúng tôi thấy các Ngài không hề cứu xét đến những nguyện vòng từ dưới đưa lên, dù đó là những nguyện vọng rất chính đáng và rất thức thời, các Ngài cũng không cứu xét. Có những người rất đâu khổ, đến khi chết vẫn không có được câu trả lời từ phía hàng Giám Mục.

 

Ảnh hưởng của người Việt ở hải ngoại

Nguyễn Khanh: Lúc đầu, Linh Mục có nói đến vai trò của người Công Giáo Việt Nam ở trong nước, nói đến vai trò của những vị Giám Mục đang điều khiển Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, tức là những vị đang lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Có khi nào Linh Mục nghĩ đến vai trò của những người Công Giáo đang sống ở hải ngoại không? Chúng tôi đặt câu hỏi này vì được biết, 30% người Việt ở hải ngoại là người Công Giáo…

Linh Mục Phan An Bình: Dạ thưa đúng như vậy.Tôi nghĩ rằng trong cuộc tranh đấu cho dân chủ và tự do của dân tộc chúng ta hiện tại, vai trò của người Việt Nam tại hải ngoại rất quan trọng. Quan trọng vì có thể tiếp cận dễ dàng với những cơ quan quốc tế hay những cơ quan ảnh hưởng lớn, vì dụ như ở nước Mỹ.

Chúng ta cũng thấy là đồng tiền gửi về trong nước, như hôm qua tôi mới nghe tin là số tiền của đồng báo hải ngoại gửi về lớn gấp 20 lần số tiền những tổ chức thương mại đầu tư vào trong nước. Ðó là một sức mạnh đáng kể.

Từ xưa đến nay đồng tiền được gửi về, thường thường, để giúp thân nhân và giúp cho những công cuộc bác ái, xây nhà thờ v.v… Từ nay, tôi xin đề nghị nên hướng về cuộc tranh đấu cho công bình hơn là bác ái. Nên dùng đồng tiền của mình để vận động cho những công cuộc tranh đấu cho tự do, công bình, bởi vì những việc bác ai đã được làm rất nhiều rồi, nhưng vẫn chưa ảnh hưởng được bao nhiêu, trong khi bất công vẫn lộng hành trong xã hội Việt Nam.

Linh Mục Phan An Bình

Từ xưa đến nay đồng tiền được gửi về, thường thường, để giúp thân nhân và giúp cho những công cuộc bác ái, xây nhà thờ v.v… Từ nay, tôi xin đề nghị nên hướng về cuộc tranh đấu cho công bình hơn là bác ái. Nên dùng đồng tiền của mình để vận động cho những công cuộc tranh đấu cho tự do, công bình, bởi vì những việc bác ai đã được làm rất nhiều rồi, nhưng vẫn chưa ảnh hưởng được bao nhiêu, trong khi bất công vẫn lộng hành trong xã hội Việt Nam.

Người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại có thể làm được rất nhiều việc, như truyền thông, đưa tin tức về cho gia đình, cho Giáo Xứ ở Việt Nam, những khái niệm về tự do, về nhân quyền, về dân chủ.

Tôi thiết nghĩ rằng giới trí thức Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại cũng như giới công nhân nên có những tổ chức để quy tụ lại, và dùng ảnh hưởng của mình để tác động hai chiều: ở hải ngoại và ở trong nước, thì tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy được không những sức mạnh của đồng tiền, mà còn có cả sức mạnh của khả năng quy tụ nữa.

Cộng vào đó và trên hết, tôi thấy Ðức Tin của người Công Giáo luôn luôn thúc đẩy chúng ta phải dấn thân, tích cực dấn thân trong mọi lãnh vực, bởi vì chúng ta được kêu gọi để Thánh Hiến trần gian. Làm sao Thánh Hiến trần gian được nếu chúng ta không hoạt động tích cực để xã hội Việt Nam mỗi ngày một công bình hơn?

Nói đến đây, tôi xin trích lại lời của Hội Ðồng Giám Mục Á Châu khi họp ở Tokyo hồi 1986 có nói như thế này:

"trước hết chính trị phải trở thành một hoạt động chung, toàn thể dân Chúa được mời gọi dấn thân vào hoạt động chính trị ấy, vì Phúc Âm đòi hỏi Kitô hữu đưa Phúc Âm và những giá trị Nước Trời- là tình thương và công bình- xâm nhập vào những lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, và xã hội của Châu Á. Ai tuyệt đối khước từ đòi hỏi thay đổi chính trị ở Châu Á, ắt là một cách nào đó, cũng phủ nhận căn tính Kitô của mình".

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả, một lần nữa xin cám ơn Linh Mục Phan An Bình và chúc Linh Mục bằng an trên đường về lại Việt Nam.