Ăn tết mà đầu óc cứ lo tham nhũng
Ăn tết mà đầu óc cứ lo tham nhũng
Phạm Trần
Việt Nam ăn Tết Đinh Hợi mà cả nước cứ băn khoăn vì sao chưa chống nổi Tham nhũng.
Thủ tục đầu năm: quà cáp biếu tết cho thủ trưởng Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng nói với Báo Nhân Dân (16-2-07) : “Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng yêu cầu "Toàn Ðảng, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội phải có quyết tâm chính trị cao đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí". Thể hiện quyết tâm chính trị đó, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết, xác định một hệ thống các giải pháp đồng bộ, thiết thực để đẩy mạnh toàn diện cuộc đấu tranh nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt và cơ bản, ngăn chặn, kiềm chế và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Giải pháp đã rõ, vấn đề có ý nghĩa quyết định là việc tổ chức thực hiện ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người. Mỗi một cán bộ, đảng viên, mà trước hết là các cán bộ cao cấp của toàn bộ hệ thống chính trị và gia đình của mình phải là tấm gương về cuộc sống trong sạch, liêm khiết. Phải xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm hành chính hoặc hình sự đối với những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc bao che cho tham nhũng, lãng phí, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, đương chức hay nghỉ hưu.” Mạnh đã nói như thế nhiều lần rồi, kể từ trước Hội nghị Trung ương 3 (24 – 29/7/06) bàn về tình trạng quan liêu, tham nhũng trong đảng và nhà nước, nhưng xem ra cán bộ, đảng viên vẫn coi trời bằng vung, chưa thấy “những việc cần làm” được thực hiện. Bây giờ Mạnh lại trông cậy vào điều được gọi là “Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" để động viên cán bộ, đảng viên “nâng cao đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng.” Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” của Hội nghị 3 viết cách nay 7 tháng: “ Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ ta.” “Nhiều tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí, nên lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí; chưa thực sự dựa vào dân và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.” “Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn nhiều yếu kém. Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.” Như vậy đến bao giờ thì đảng mới thấy được tham nhũng ở cuối đường hầm hay sẽ chẳng bao giờ tìm thấy mà Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước phải nói lại quyết tâm chống tệ nạn này trong cuộc phỏng vấn của Thống tấn xã Việt Nam ngày 3-2-07. H : “ Đảng ta đã khẳng định quyết tâm tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Đây cũng là vấn đề rất được dư luận quan tâm. Xin Chủ tịch cho biết quan điểm của mình về vấn đề này? Nguyễn Minh Triết: “Phải khẳng định rằng Đảng và Nhà nước quyết tâm rất cao trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã họp và đề ra những nhiệm vụ cụ thể; Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí không phải là vấn đề có thể nhanh chóng giải quyết dứt điểm.” “Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thực sự có kết quả, chúng ta cần tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải được kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính và cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức. Điều cơ bản nhất chúng ta cần phải củng cố là công tác quản lý, phải quản lý thật chặt chẽ để cán bộ có muốn tham nhũng cũng không thể có cơ hội tham nhũng. Điều này không thể nói như hô khẩu hiệu, mà phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể.”Nhưng nếu không phải đảng và nhà nước thì ai làm nhiệm vụ này mà cứ nói đi nói lại hoài ? Và tại sao “ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lại “ không phải là vấn đề có thể nhanh chóng giải quyết dứt điểm ?” Đảng CSVN thường viện dẫn hai trong số lý do để biện hộ cho thất bại chống tham nhũng : Ngân sách nhà nước không đủ để trả lương cho cán bộ, công chức nên những người mất phẩm chất đã coi tham nhũng như việc làm thêm để kiếm sống. Vấn đề thứ hai là thói quen dùng tiền mặt của người dân trong mua, bán, tiêu pha dễ tạo cơ hội cho kẻ có chức, có quyền tham nhũng. Hai vấn đề này có mới mẻ gì trong Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đâu ? Nhưng càng hô hào đổi mới, càng mau mắn hội nhập để làm giầu, và càng kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì đảng lại càng nói nhiều làm ít nên tệ nạn tham nhũng đã biến thành Quốc nạn từ khi Đỗ Mười còn làm Tổng Bí thư khóa VII. Nhưng khi Triết bảo muốn phòng , chống tham nhũng có kết qủa thì đảng “cần tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân” thì Triết , vì ngồi cao qúa nên không biết dưới hạ tầng cơ sở cán bộ đã hành dân đến mức nào mà không người dân nào dám hé răng tố cáo kẻ tham nhũng ? Ngay đến các tổ chức hạ tầng của Mặt trận và đoàn thể nhân dân cũng chỉ biết “dĩ hòa vi qúy”, “chín bỏ làm mười” hay nể nang giải quyết theo kiểu “nay người mai ta”, “có qua có lại mới đẹp lòng nhau” thì làm sao mà giám sát và giám sát ai ? Vào dịp Tết Đinh Hợi, Triết lại ca bài hát cũ: “ Bước sang năm mới, với khí thế phấn khởi của toàn dân và toàn quân ta, với những thắng lợi to lớn toàn diện trong năm 2006, kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tiến tới bầu cử Quốc hội khóa XII, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy phát huy cao độ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức; kiên quyết đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí và thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước lập nhiều thành tích nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.” BÁO VÀ THAM NHŨNG Báo chí, do đảng kiểm soát, cũng không ngại góp ý chống tham nhũng như Hà Văn Thịnh của tờ Lao Động (18-2-07) viết: “ Cả nước ngập tràn nắng Xuân ấm áp. Từ lạng Sơn đến Cà Mau là sự đồng thuận rực rỡ, yên ổn của tiết trời. Con heo vàng đã gõ cửa nước Việt bằng sự giao hoà của âm dương, của Thái thiên địa, như chưa có khi nào đáng mong hơn thế…” “Trong bản tin thời sự cuối cùng của năm Bính Tuất (tối 30 Tết), VTV thông báo rất có khả năng nước ta sẽ vượt qua đói nghèo sớm hơn 2-3 năm so với kế hoạch. Có nghĩa là trước năm 2015, GDP đầu người của Việt Nam sẽ bước qua ngưỡng 1.000 USD, thay vì hơn 700 USD như hiện nay. Có lẽ đó là món quà xuân ý nghĩa nhất, đáng kể nhất mà Đảng và Chính phủ có thể đem tới cho mỗi gia đình. Dĩ nhiên, đó là chỉ số bình quân vì vẫn còn nhiều gia đình có thu nhập thấp. Chúng ta mong mỏi khoảng cách giàu nghèo không bị nới rộng ra quá nhanh. Sự chênh lệch càng tăng nhanh và lớn chừng nào, người nghèo càng cảm thấy nỗi bất cập rõ ràng chừng ấy…” “Tuy nhiên, rất cần tỉnh táo để nhận thức thật rõ rằng, năm thứ 7 của thế kỷ 21 đang đón đợi chúng ta với không ít thử thách. Có thể nêu ra 7 vấn đề lớn: Nạn tham nhũng; bộ máy hành chính cồng kềnh kém hiệu quả - sự chồng chéo trên nhiều lĩnh vực của cơ chế; sự xuống cấp, bất cập và lạc hậu của giáo dục; sự nghiêm trọng của vấn đề giao thông; tình trạng lãng phí của các loại dự án; khả năng cạnh tranh bằng chất lượng của sản phẩm xuất khẩu của ta kém và, thói quen tiểu nông vẫn đang còn ngự trị khắp nơi.” “6 vấn đề trước đã được báo chí nói đến nhiều, vấn đề thứ 7 tưởng như nhỏ nhưng thật ra không nhỏ một chút nào. Suy cho tới cùng, sở dĩ nền kinh tế chưa thể cất cánh hay “bùng nổ” như mong đợi; như đáng ra phải thế hoặc sự chắp vá, manh mún của các kế hoạch, là do tâm lý “đủng đỉnh”, chờ nước đến chân của tuyệt đại đa số chúng ta. Đã đến lúc cần phải hiểu nhịp hò mái nhì không thể nào làm cho chúng ta tiến nhanh trong biển lớn(!).” Trên báo Tuổi Trẻ Xuân, Nhà nghiên cứu Cộng sản Trần Bạch Đằng phát biểu: “Nước ta có 3 triệu đảng viên cộng sản, số lượng là như thế nhưng chất lượng ra sao, vấn đề trở nên nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Xét cho cùng, những tổ chức chống tham nhũng được thiết lập tuy có nhắm vào toàn bộ cơ chế song chủ yếu vẫn nhắm vào số đảng viên cầm quyền. Đâu có vụ án kinh tế nghiêm trọng nào không dính dáng đến con người đảng viên, thậm chí có trường hợp dính dáng đến cả tổ chức của Đảng. “Trong trường hợp này, chỉnh đốn Đảng đã gần như đồng nghĩa với chỉnh đốn xã hội. Như vậy, mục tiêu chỉnh đốn đã khá rõ, dễ cũng ở đây mà khó cũng ở đây. Dễ vì phát hiện nhanh chóng, thậm chí chính xác. Khó vì sự che chắn của quyền lực, thậm chí liên minh giữa quyền lực tự bảo vệ sai trái, có khi tác động đến cả cơ quan tư pháp…” “Năm 2007 đòi hỏi một đổi thay cơ bản và qui mô lớn chất lượng của Đảng lãnh đạo, làm thế nào để tuyển chọn trong 3 triệu đảng viên cộng sản một nửa số tích cực, trong sáng thì cục diện chung sẽ có chuyển biến theo hướng xây dựng lành mạnh. Và đó là tiền đề để thực hiện những nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội X đề ra.” Thì ra, theo lời Trần Bạch Đằng, có tới 50 phần trăm cán bộ, đảng viên Cộng sản là “không tích cực, thiếu trong sáng” phải bị loại bỏ ? Trong khi Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “ Nếu so sánh với các nền kinh tế khác thì ưu thế của nước ta về sự ổn định chính trị - xã hội, lợi thế về lao động là kết quả của Chính phủ và của toàn dân. Trong khi xét về những tiêu chí riêng của Chính phủ như tình trạng quan liêu, tham nhũng, thủ tục hành chính và thời gian để thực hiện kinh doanh, chi tiêu về y tế, giáo dục, hiệu quả của đầu tư từ vốn ngân sách... thì phần lớn các tiêu chí còn thấp và rất thấp….” “ …Gần đây, bên cạnh tai nạn giao thông đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân, tình trạng tội phạm tăng lên cũng bắt đầu ảnh hưởng đến khách du lịch. Cạnh tranh phải trở thành một động lực để vươn lên, không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả đối với Chính phủ. Cũng như người bệnh không thể tự khám sức khỏe và tự chữa cho mình khỏi bệnh, Chính phủ cũng không thể tiếp tục “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tự đánh giá về các tiến bộ của mình, tự khen thưởng, mà phải tổ chức việc đánh giá một cách khách quan và độc lập của người dân, nhất là doanh nghiệp và nhà khoa học về hoạt động của Chính phủ.” Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN 2003 – 2006 cũng góp ý : “Mặc dù VN được đánh giá là một quốc gia sử dụng vốn viện trợ phát triển (ODA) hiệu quả, nhiều năm qua chúng tôi vẫn luôn đau đầu vì tốc độ thực hiện các dự án tại VN quá chậm. Người tiền nhiệm của tôi đã trao đổi về vấn đề này khi tôi đến VN nhậm chức tháng 9-2002, và buồn thay, sau bốn năm tôi vẫn phải nhắc nhở người kế nhiệm tôi về tình trạng này.” “Việc triển khai các dự án chậm, sự quan liêu làm gia tăng chi phí cho quốc gia và cho tất cả mọi người. Tôi lấy ví dụ cùng một số tiền để xây trường học, ở các quốc gia khác chỉ mất ba năm để đưa ngôi trường vào sử dụng, trong khi ở VN mất tới năm năm. Như vậy, trẻ em VN mất thêm những hai năm để được thụ hưởng các dịch vụ giáo dục tốt như tại các nước. Điều này chỉ càng làm chi phí và giá thành của các dự án phát triển tại VN tăng cao.” Như vậy, theo thời gian, từ thời Đỗ Mười đến nay, đất nước đã qua chặng đường dài hơn 15 năm mà sao tham nhũng, lãng phí vẫn còn nặng nề đến thế ? Nếu làm theo lời khuyên của Trần Bạch Đằng loại bỏ 50 phần trăm đảng viên để cứu vãn tình hình thì đảng Cộng sản có còn xứng đáng độc quyền lãnh đạo nữa không hay cũng nên biến đi cho đất nước hết lầm than ?Phạm Trần (02/07)